Viện kiểm sát nhân dân tỉnh báo cáo đề nghị Kháng nghị giám đốc thẩm bản án dân sự phúc thẩm vi phạm nghiêm trọng nội dung giải quyết vụ án.
16:24 18/07/2016

Viện kiểm sát nhân dân tỉnh báo cáo đề nghị Kháng nghị giám đốc thẩm bản án dân sự phúc thẩm  vi phạm nghiêm trọng nội dung giải quyết vụ án.

Thông qua kiểm sát xét xử phúc thẩm vụ kiện “Tranh chấp hợp đồng tín dụng” giữa nguyên đơn Ngân hàng thương mại cổ phần ngoại thương Việt Nam- Chi nhánh Hà Tĩnh với bị đơn ông Trần Bá Công và bà Hoàng Thị Ánh Tuyết. Viện KSND tỉnh Hà Tĩnh đã báo cáo đề nghị Viện kiểm sát cấp cao tại Hà Nội xem xét, kháng nghị giám đốc thẩm đối với Bản án số 13/2016/DSPT ngày 13/4/2016 của Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, với lý do bản án vi phạm nghiêm trọng về nội dung giải quyết vụ án. Nội dung vụ việc như sau:

Ngày 24/01/2011 vợ chồng ông Trần Vĩnh Hạp, bà Nguyễn Thị Nguyệt ký hợp đồng thế chấp số 141 với NHTMCPNT- Chi nhánh Hà Tĩnh để thế chấp thửa đất số 322, tờ bản đồ số 07, diện tích 105m 2 và căn nhà 02 tầng, diện tích xây dựng 210m 2 tại tổ dân phố 13- thị trấn Cẩm Xuyên- huyện Cẩm Xuyên, đất được UBND huyện Cẩm Xuyên cấp GCNQDĐ số U234248 vào ngày 25/11/2001 mang tên hộ Trần Vĩnh Hạp. Hợp đồng thế chấp được UBND thị trấn Cẩm Xuyên chứng thực và đăng ký giao dịch bảo đảm tại Phòng tài nguyên- môi trường huyện Cẩm Xuyên. Nội dung hợp đồng thể hiện ông Trần Vĩnh Hạp và bà Nguyễn Thị Nguyệt thế chấp để bảo lãnh cho ông Trần Bá Công vay vốn Ngân hàng. Căn cứ hợp đồng thế chấp, Ngân hàng TMCPNTVN- Chi nhánh Hà Tĩnh  cho ông Công vay 1.200.000.000 đồng thông qua 03 hợp đồng tín dụng.

Căn cứ các hợp đồng tín dụng, ngày 28/3/2013 ông Trần Bá Công mới trả hết tiền gốc và lãi của 1 hợp đồng (số 11/12511 ngày 30/11/2011); 2  hợp đồng còn lại, đã quá hạn nhưng ông Công không trả. Tổng dư nợ đến ngày 22/5/2014 là 1.137.787.500 đồng, nên NHTMCPNTVN- Chi nhánh Hà Tĩnh làm đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án nhân dân huyện Cẩm Xuyên buộc bên vay và bên bảo lãnh trả nợ số tiền gốc và lãi theo hai hợp đồng nói trên, nếu không trả được nợ thì yêu cầu Tòa án xử lý tài sản thế chấp để Ngân hàng thu hồi nợ.

Quá trình làm việc tại Tòa án, ông Trần Bá Công và bà Hoàng Thị Ánh Tuyết trình bày: ông Trần Vĩnh Hạp và bà Nguyễn Thị Nguyệt thế chấp đất và nhà cho vợ chồng ông vay Ngân hàng là đúng sự thật, hiện ông Công chưa trả hết nợ.

Ông Trần Vĩnh Hạp và bà Nguyễn Thị Nguyệt trình bày: vợ chồng ông thế chấp nhà và đất để bảo lãnh cho ông Trần Bá Công vay Ngân hàng 300 triệu đồng, trong đó vợ chồng ông vay 200 triệu đồng, còn ông Công vay 100 triệu đồng, hiện nay khoản vay này đã trả xong nên đề nghị Ngân hàng trả lại giấy tờ đất cho vợ chồng ông, còn các hợp đồng ông Công vay sau vợ chồng ông không biết và Ngân hàng cho ông Công vay 1,2 tỷ đồng là quá cao so với giá trị tài sản thế chấp.

Anh Trần Vĩnh Phúc, sinh 1989 và Trần Vĩnh Tâm, sinh 1991 (con ông Hạp bà Nguyệt) trình bày: thửa đất số 322, tờ bản đồ số 07, diện tích 105m 2 tại tổ dân phố 13- thị trấn Cẩm Xuyên- huyện Cẩm Xuyên được UBND huyện Cẩm Xuyên cấp GCNQDĐ cho hộ gia đình ông Trần Vĩnh Hạp vào ngày 25/11/2001, nhưng ông Hạp và bà Nguyệt thế chấp để cho ông Công vay mà không có ý kiến của anh Phúc và anh Tâm là trái quy định của BLDS năm 2005, vì vậy đề nghị Tòa án tuyên bố hợp đồng thế chấp tài sản giữa vợ chồng ông Hạp, bà Nguyệt với Ngân hàng  bị vô hiệu và buộc Ngân hàng trả lại giấy tờ đất cho hộ ông Hạp.

Bản án số 01/2015/DSST ngày 05/02/2015 của TAND huyện Cẩm Xuyên  áp dụng khoản 3 điều 342, điều 355, 471, 474, 476, 721 BLDS; điều 131 BLTTDS; điểm b khoản 1 điều 24, khoản 2 điều 27 Pháp lệnh về án phí, lệ phí Toà án, xử: Chấp nhận nội dung khởi kiện của NHTMCPNTVN- Chi nhánh Hà Tĩnh. Buộc ông Trần Bá Công và bà Hoàng Thị Ánh Tuyết trả nợ cho Ngân hàng TMCPNTVN- Chi nhánh Hà Tĩnh 1.238.797.500 đồng (tiền gốc và lãi tính đến ngày 05/02/2015) và lãi phát sinh đến khi trả hết nợ. Nếu ông Công, bà Tuyết không trả nợ thì Ngân hàng TMCPNTVN xử lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ theo quy định tại điều 355 BLDS và Luật thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm số 13/2016/DSPT ngày 13/4/2016 của TAND tỉnh Hà Tĩnh, xử: Chấp nhận nội dung kháng cáo của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, sửa bản án dân sự sơ thẩm số 01/2015/DSST ngày 05/02/2015 của TAND huyện Cẩm Xuyên. Chấp nhận một phần nội dung khởi kiện của Ngân hàng thương mại cổ phần ngoại thương Việt Nam- Chi nhánh Hà Tĩnh. Buộc ông Trần Bá Công, bà Hoàng Thị Ánh Tuyết có nghĩa vụ trả nợ cho Ngân hàng thương mại cổ phần ngoại thương Việt Nam- Chi nhánh Hà Tĩnh số tiền 1.238.797.500 đồng, trong đó tiền gốc 900.000.000 đồng, tiền lãi trong hạn 291.925.000 đồng, tiền lãi quá hạn 46.872.500 đồng tính đến ngày 05/02/2015 và tiếp tục trả lãi phát sinh theo hợp đồng tín dụng từ ngày 06/02/2015 đến khi trả hết nợ. Không chấp nhận yêu cầu xử lý tài sản thế chấp. Tuyên bố hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất số 141 ký ngày 24/01/2011 giữa Ngân hàng thương mại cổ phần ngoại thương Việt Nam- Chi nhánh Hà Tĩnh với ông Trần Vĩnh Hạp, bà Nguyễn Thị Nguyệt bảo đảm nghĩa vụ cho ông Trần Bá Công vô hiệu. Buộc Ngân hàng thương mại cổ phần ngoại thương Việt Nam- Chi nhánh Hà Tĩnh giải chấp, trả lại bản chính giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số U234248 do UBND huyện Cẩm Xuyên cấp ngày 25/11/2001 mang tên hộ ông Trần Vĩnh Hạp, vị trí thửa đất số 322, tờ bản đồ số 07, diện tích 105m 2 và tài sản gắn liền với đất là ngôi nhà 02 tầng tại tổ dân phố 13- thị trấn Cẩm Xuyên- huyện Cẩm Xuyên- tỉnh Hà Tĩnh cho ông Trần Vĩnh Hạp, bà Nguyễn Thị Nguyệt.

Căn cứ hồ sơ vụ kiện và kết quả xét xử phúc thẩm, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Tĩnh thấy hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất ký kết giữa vợ chồng ông Trần Vĩnh Hạp và NHTMCPNTVN- Chi nhánh Hà Tĩnh là tự nguyện, có chứng thực của UBND thị trấn Cẩm Xuyên; khi ký các bên có đủ năng lực hành vi dân sự, không bị ép buộc, không bị lừa dối. Vì vậy hợp đồng thế chấp phù hợp pháp luật dân sự và có hiệu lực. Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết vụ kiện như trên là có căn cứ, đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Việc Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận nội dung kháng cáo của anh Trần Vĩnh Tâm, sửa án sơ thẩm, tuyên bố hợp đồng thế chấp số 141 ngày 24/01/2011 giữa NHTMCPNTVN- Chi nhánh Hà Tĩnh với vợ chồng ông Trần Vĩnh Hạp vô hiệu, buộc phía Ngân hàng trả lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Trần Vĩnh Hạp là không đúng, bởi lẽ:

-Thứ nhất: Tòa án cấp phúc thẩm cho rằng Chương XXX Bộ luật dân sự quy định bên thế chấp phải đồng thời là bên vay, bên vay dùng tài sản của mình để thế chấp, bên thế chấp có quyền được nhận tiền vay do đó không có quy định trong Bộ luật dân sự để xử lý tài sản thế chấp của ông Hạp bảo đảm nghĩa vụ cho ông Công, bà Tuyết vay tiền.

Nhận định như trên của Tòa án cấp phúc thẩm là không đúng vì Chương XX Bộ luật dân sự năm 2005 không có điều luật nào quy định bên thế chấp đồng thời phải là bên vay.

Theo khoản 1 Điều 3 Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 và  khoản 1 Điều 1 Nghị định số 11/2012/NĐ-CP ngày 22/02/2012 của Chính phủ thì bên bảo đảm là bên có nghĩa vụ hoặc người thứ ba cam kết bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự bao gồm bên thế chấp, bên đặt cọc; bên bảo đảm là bên dùng tài sản thuộc sở hữu của mình, dùng quyền sử dụng đất của mình để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ dân sự của chính mình hoặc của người khác.

- Thứ hai: Tòa án cấp phúc thẩm cho rằng Bộ luật dân sự quy định bảo lãnh và thế chấp là hai chế định khác nhau và độc lập với nhau nên không thể coi việc bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất là thế chấp bằng quyền sử dụng đất của người thứ ba, do đó việc thế chấp bằng quyền sử dụng đất của người thứ ba là không đúng quy định của pháp luật.

Nhận định như trên của Tòa án cấp phúc thẩm là không đúng vì theo Điều 113 Luật đất đai năm 2003 thì  hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất không phải là đất thuê có quyền thế chấp, bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất tại tổ chức tín dụng. Khoản 1 Điều 31 Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 và khoản 4 Điều 72 Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ quy định bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất theo quy định của Luật đất đai được hiểu là thế chấp bằng quyền sử dụng đất cho người thứ ba vay vốn theo quy định của Bộ luật dân sự; việc bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất được chuyển thành việc thế chấp quyền sử dụng đất của người thứ ba.

Tại điểm 2.1 khoản 2 Mục 2 Thông tư liên tịch số 03/2006/TTLT-BTP-BTNMT ngày 13.6.2006 (sửa đổi khoản 2 Mục I Thông tư liên tịch số 05/2005/TTLT/BTP-BTNMT ngày 16.6.2005) và điểm a tiểu mục 1.1  mục 1 phần I Thông tư liên tịch số 04/2006/TTLT-BTP-BTNMT ngày 13.6.2006 của Bộ tư pháp- Bộ tài nguyên và môi trường quy định thế chấp quyền sử dụng đất của người thứ ba mà trong Luật đất đai gọi là bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất; hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất của người thứ ba mà Luật đất đai gọi là bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất.

Như vậy, theo hướng dẫn của Bộ tư pháp- Bộ Tài nguyên và môi trường thì việc bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất của người thứ ba theo cách gọi của Luật đất đai năm 2003 được chuyển thành thế chấp quyền sử dụng đất của người thứ ba.

- Thứ ba: Tòa án tỉnh Hà Tĩnh áp dụng Quy chế thế chấp, cầm cố và bảo lãnh vay vốn ngân hàng ban hành kèm theo Quyết định số 217/1996/QĐ-NH1 ngày 17.8.1996 của Thống đốc ngân hàng nhà nước Việt Nam đã hết hiệu lực tại thời điểm xác lập hợp đồng thế chấp để giải quyết là trái quy định của pháp luật (theo thông tư số 06/2000/TT-NHNN1 ngày 04.4.2000 của Ngân hàng nhà nước Việt Nam thì Quyết định số 217/1996/QĐ-NH1 ngày 17.8.1996 của Thống đốc ngân hàng nhà nước Việt Nam đã hết hiệu lực thi hành kể từ ngày 19.4.2000).

Việc Tòa án nhân dân tỉnh Buộc Ngân hàng thương mại cổ phần ngoại thương Việt Nam- Chi nhánh Hà Tĩnh giải chấp, trả lại bản chính giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Trần Vĩnh Hạp và bà Nguyễn Thị Nguyệt làm gây khó khăn cho Ngân hàng thương mại cổ phần ngoại thương Việt Nam- Chi nhánh Hà Tĩnh trong việc thu hồi nợ của ông Trần Bá Công và bà Hoàng Thị Ánh Tuyết.

Với những vi phạm nêu trên,Viện KSND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị Viện kiểm sát cấp cao tại Hà Nội xem xét, kháng nghị giám đốc thẩm đối với Bản án số 13/2016/DSPT ngày 13/4/2016 của Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh.

Dương Hiền - P9

    Ý kiến bạn đọc


    ĐĂNG NHẬP