Việc sử dụng vũ lực trong các tội xâm phạm sở hữu chủ yếu là nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản như tội cướp tài sản (Điều 133), Tội cưỡng đoạt tài sản (Điều 135)… Tuy nhiên cũng có tội xâm phạm sở hữu có sử dụng vũ lực nhưng không nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản. Đó là trường hợp tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản được quy định tại (Điều 143). Đặc biệt hành vi sử dụng vũ lực trong tội này là nhằm vào tài sản chứ không nhằm vào người quản lý tài sản như các tội phạm khác có sử dụng vũ lực nêu trên. Chính yếu tố sử dụng vũ lực nhằm vào tài sản (với mục đích xác định trước) là yếu tố có tính quyết định cho việc định tội danh "Tội Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản".
Qua nghiên cứu một số vụ án đã truy tố, xét xử chúng tôi thấy rằng việc định tội "hủy hoại" hay "cố ý làm hư hỏng tài sản" hiện nay chưa có nhận thức thống nhất ở các địa phương. Đa phần các vụ án có hành vi đập phá tài sản của người khác đều được định "tội hủy hoại tài sản".
Trong phạm vi bài viết trao đổi ngắn này, chúng tôi xin nêu lên vấn đề cần phân biệt hai loại hành vi "hủy hoại" và "cố ý làm hư hỏng" để các Kiểm sát viên (KSV) tham khảo.
" Điều 143. Tội Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản.
1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trương hợp..."
Như vậy trong điều luật này quy định hai tội danh độc lập: "Tội hủy hoại tài sản" và "Tội cố ý làm hư hỏng tài sản" với định lượng về hành vi (gây thiệt hại) ngang nhau, các yếu tố cấu thành cơ bản giống nhau và hình phạt bằng nhau. Từ các yếu tố trên đặt ra vấn đề là khi có hành vi xâm phạm sở hữu bằng cách sử dụng vũ lực đối với tài sản, không có mục đích chiếm đoạt thì khi nào là "hủy hoại" khi nào thì "cố ý làm hư hỏng tài sản".
Trao đổi về vấn đề trên, chúng tôi không đi vào phân tích các yếu tố cấu thành tội phạm của hai tội này, chúng tôi chỉ nêu một số dấu hiệu pháp lý cơ bản để cho việc định tội đúng:
* Hành vi hủy hoại tài sản: Có hành vi làm cho tài sản của người khác bị hư hỏng đến mức mất hẳn giá trị hoặc giá trị sử dụng hoặc bị tiêu hủy hoàn toàn.
* Hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản: Có hành vi làm cho tài sản của người khác bị mất một phần hoặc giảm giá trị, giá trị sử dụng nhưng ở mức độ có thể khôi phục lại được.
Các hành vi nói trên được thực hiện dưới dạng hành động hoặc không hành động với lỗi cố ý.
* Khi có hành vi "làm cho tài sản của người khác bị hư hỏng…"với lỗi cố ý trực tiếp thì việc xác định mục đích sẽ có ý nghĩa quyết định đối với việc định tội. Với mục đích làm mất hẳn giá trị hoặc giá trị sử dụng (không khôi phục được) hoặc bị tiêu hủy hoàn toàn thì định tội " hủy hoại tài sản". Nếu chưa đạt được mục đích thì "phạm tội chưa đạt".
Nếu xác định rõ mục đích của người thực hiện tội phạm chỉ làm cho tài sản bị hư hỏng một phần thì định tội "Cố ý làm hỏng tài sản".
* Khi có hành vi "làm cho tài sản của người khác bị hư hỏng" với lỗi cố ý gián tiếp thì việc định tội sẽ căn cứ vào thiệt hại của tài sản (Nếu tài sản chỉ bị hư hỏng một phần thì cấu thành tội cố ý làm hư hỏng tài sản nhưng nếu tài sản bị tiêu hủy hoàn toàn thì cấu thành tội hủy hoại tài sản).
* Vấn đề đặt ra đâu là tài sản mà người phạm tội nhằm vào?
Xác định vấn đề này, trong nhiều trường hợp là chìa khóa để định tội đúng. Ví dụ xe ô tô bao gồm nhiều bộ phận: kính chắn gió, kính chiếu hậu, cửa xe… khi người phạm tội cố ý làm cho tài sản là chiếc xe ô tô hư hỏng có thể diễn ra với các tình huống sau:
- Đốt cháy xe ô tô: Trong trường hợp này tài sản mà người phạm tội nhằm vào là cả chiếc xe ô tô, hành vi đốt cháy xe là hủy hoại tài sản.
- Đập bể kính chắn gió: Trong trường hợp này tài sản là chiếc xe ô tô chỉ bị hư hỏng một phần, có thể sửa chữa khôi phục. Hành vi đập bể kính chắn gió chỉ phạm vào tội "Cố ý làm hư hỏng tài sản".
Tương tự như vậy, khi đốt nhà là "Hủy hoại" nhưng chỉ nhằm đập bể cửa kính của ngôi nhà thì "Cố ý làm hư hỏng tài sản" vì tài sản là ngôi nhà chứ không phải là cửa kính của ngôi nhà.
Định tội đúng trong hai tội danh quy định tại (Điều 143) đặc biệt là xác định rõ tội "Hủy hoại tài sản" trong trường hợp phạm tội chưa đạt với "tội cố ý làm hư hỏng tài sản "có ý nghĩa trong việc xử lý theo khoản 3 Điều 52 BLHS, nhưng nếu định tội"cố ý làm hư hỏng tài sản" thì tội phạm hoàn thành. Trong khi hình phạt hai tội này là ngang nhau.
Điều bất hợp lý là mặt khách quan của hai tội danh trên cơ bản là giống nhau, việc định tội danh phần lớn căn cứ vào mức độ thiệt hại. Thiệt hại một phần - cố ý làm hư hỏng, tiêu hủy hoàn toàn - hủy hoại. Như vậy, rõ ràng hủy hoại có mức độ nguy hiểm cao hơn cố ý làm hư hỏng nhưng hình phạt lại ngang nhau. Chính vì vậy cần xem xét sửa đổi theo hướng tách hai tội danh này độc lập để có cơ sở xem xét định tội và xử lý công bằng./.
Ths. Trần Văn Tín, Trưởng khoa Kiểm sát hình sự