Thực tiễn định tội trong vụ án giết người có nhiều người thực hiện tội phạm
15:12 10/09/2015
Trong thời gian qua, tình hình tội phạm giết người ở nước ta biến động theo chiều hướng gia tăng cả về số lượng và tính chất nguy hiểm cũng như hậu quả thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra.

Theo số liệu thống kê của Cục Thống kê tội phạm VKSND tối cao, trong 10 năm qua (từ 2004 đến 2013), trên địa bàn cả nước đã xảy ra 672.763 vụ án hình sự, trong đó có 23.200 vụ án giết người, chiếm tỷ lệ 3,44%. Đáng lưu ý trong các vụ án giết người xảy ra, nhiều vụ án các bị can lôi kéo, rủ rê nhau đi đánh người nhưng không bàn bạc cụ thể giết người hoặc một số đối tượng là người chưa thành niên khi thấy bạn bè rủ đi đánh nhau cùng hùa theo, nhưng chỉ có một hoặc một số đối tượng có hành vi đâm chết người. Quá trình xử lý những vụ án giết người có nhiều người tham gia nhưng lỗi của người phạm tội lại khác nhau như: Có người phạm tội do lỗi cố ý gián tiếp hoặc phạm tội cố ý trực tiếp, có vụ hậu quả chết người có vụ hậu quả gây thương tích, nên dẫn đến việc định tội danh, xác định đồng phạm và cá thể hóa trách nhiệm hình sự mỗi địa phương xử lý một cách khác nhau. Vì vậy, đây là vấn đề đã và đang được các nhà nghiên cứu lý luận và những người làm công tác thực tiễn áp dụng pháp luật quan tâm.

Dưới góc độ lý luận về cấu thành tội phạm giết người, về định tội danh và đồng phạm đã được phân tích, lý giải trong Giáo trình Luật hình sự Việt Nam, Bình luận khoa học hình sự của các cơ sở đào tạo và các nhà khoa học pháp lý. Tuy nhiên, trong phạm vi bài viết này, chúng tôi đưa ra một số vụ án giết người đã xảy ra có các dấu hiệu pháp lý tương tự nhưng thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử định tội danh, xử lý khác nhau, nhằm trao đổi để áp dụng thống nhất vào thực tiễn đấu tranh loại tội phạm này.

Vụ thứ nhất

Nguyễn Quang Long có mâu thuẫn đánh nhau với hai anh em Nguyễn Văn Phương, Nguyễn Văn Tuấn, thì được một số người can ngăn và tất cả bỏ về nhà. Vào khoảng 16 giờ ngày 30/4/2010, Long chạy xe mô tô đến tiệm sửa xe của Nguyễn Ngọc Quang (là anh ruột của Long) kể lại sự việc xảy ra và rủ Quang đi đánh anh em Nguyễn Văn Phương. Khi đi Long lấy một cây ống sắt dài khoảng 80 cm, điều khiển xe mô tô chở Quang đến nhà Nguyễn Văn Phương tại số 212, ấp Sơn Hà, xã Vĩnh Thanh, huyện NT, tỉnh ĐN. Long dừng xe lại, hai tay cầm cây sắt đập mạnh một cái trúng vào thái dương trái của Nguyễn Văn Phương đang ngồi ở trước cửa thềm nhà, làm Nguyễn Văn Phương ngã gục xuống. Nguyễn Duy Phương ôm Long can ngăn, Long vùng ra tiếp tục đập thêm một cái trúng vào người Nguyễn Văn Phương, thì được một số người can ngăn. Long cầm cây sắt bỏ chạy lên xe mô tô, rồi điều khiển chở Quang về nhà. Còn Nguyễn Văn Phương được mọi người đưa đi bệnh viện cấp cứu và được đưa đi giám định với những thương tích sau:

“ Phù não thái dương đỉnh trái, nứt sọ thái dương đỉnh trái, dấu khuyết sọ đường kính 05 cm. Hiện tại: Gọi hỏi không trả lời, liệt cứng tứ chi và tiêu, tiểu không tự chủ, sống thực vật.

Tỷ lệ thương tật 81 % tạm thời ”.

Vụ thứ hai

Chiều ngày 06 tháng 02 năm 2010, do có mâu thuẫn với nhau từ trước, nên nhóm Nguyễn Duy đánh nhau với nhóm Nguyễn Đăng Khoa, sinh năm 1993 trú tại phường Tam Hiệp, thành phố BH, tỉnh ĐN hậu quả Duy bị thương tích nhẹ. Vào lúc 18 giờ ngày 07 tháng 02 năm 2010, Phạm Quốc Nam nghe tin Khoa sẽ đến nhà tìm Duy để đánh, nên nói cho Duy biết, Duy rủ Phạm Xuân Huy và Nguyễn Phú chờ Khoa đến sẽ đánh, nhưng Phú rủ cả bọn chủ động đi tìm nhóm của Khoa để đánh trước. Tất cả đồng ý, Phú về nhà cầm theo một con dao Thái Lan bỏ vào túi quần và không nói cho Huy, Nam và Duy biết. Huy điều khiển xe mô tô biển số 60T5- 0495 của gia đình chở Duy, Nam điều khiển xe mô tô 60T3- 9609 chở Phú đi tìm nhóm của Khoa, khi đến tiệm internet 339 phường Tân Hiệp, TPBH, tất cả dừng xe đứng ngoài chờ, còn Duy đi vào tiệm nhìn thấy Khoa đang ngồi chơi điện tử ở bàn máy số 18, phía sau có Nguyễn Trọng Nghĩa và một số bạn của Khoa. Duy đi ra nói cho đồng bọn biết và dẫn Phú đi vào tiệm chỉ mặt Khoa, rồi đi ra chỗ Nam và Huy đứng chờ. Phú đi vào đứng sau lưng Khoa, rút dao ra đâm Khoa một nhát, Khoa xô ghế đứng dậy nghiêng người sang một bên, nên chỉ bị thương nhẹ ở cánh tay trái. Nghĩa kêu lên: “Anh Mắm ơi”, anh Nguyễn Đăng Đan Trường (tên gọi khác là Mắm) đang ngồi chơi ở máy số 19, nghe tiếng kêu đứng dậy. Phú liền cầm dao đâm một nhát vào lưng phải của anh Trường, rồi rút dao ra bỏ chạy, thì bị các anh Phan Hoàng Thắng, Nguyễn Hữu Đức ôm giữ lại, Phú vùng ra được và chạy ra ngoài, lên xe cùng đồng bọn bỏ chạy. Anh Trường được mọi người đưa đi bệnh viện cấp cứu và tử vong, còn Khoa bị thương tích với tỷ lệ thương tật là 02%, nhưng không yêu cầu khởi tố vụ án cố ý gây thương tích.

Vụ thứ ba

Vào khoảng 23 giờ ngày 12/6/2009, Hà Xuân Linh, Nguyễn Văn Thắng, và Trần Thái Vàng đi uống rượu trở về lán trại 203/24 Đinh Tiên Hoàng, phường Tự An, thành phố B. Thắng dùng chân đá đổ chiếc bàn gỗ để ở vỉa hè đường Thăng Long. Lúc này có các anh Nguyễn Văn Rồng, Nguyễn Đức Tài, Trần Văn Minh, Nguyễn Đức Hoàng Vũ, Lê Cao Hiếu, Hồ Xuân Dũng, Nguyễn Văn An và Kiều Hưng đều là chiến sỹ Cảnh vệ Tiểu đội Cảnh sát bảo vệ thuộc PC22 Công an tỉnh (bảo vệ mục tiêu là Văn phòng Tỉnh ủy) đang ngồi chơi trước cửa nhà số 74,76,78 đường Thăng Long là nơi ở và làm việc của Đội Cảnh sát bảo vệ. Thấy Nguyễn Văn Thắng đá đổ chiếc bàn gỗ, anh Tài và anh Dũng (đang mặc trang phục Cảnh sát) đi đến nhắc nhở, thì Linh, Thắng, Vàng bỏ chạy xuống đường Bùi Thị Xuân, khoảng 50 mét dừng lại. Linh và Thắng quay lại nói: “ Bọn mày xuống đây, xuống đây” và dùng tay vẫy vẫy về hướng anh Tài và anh Dũng, những không thấy 2 anh xuống nên cả bọn bỏ đi về.

Do thấy Linh, Thắng, Vàng có hành vi thách thức nên các anh Tài, Minh có cầm theo cây gậy cùng các anh Phong, Hưng, Vũ, Văn chạy xe mô tô chở nhau đuổi theo nhằm mục đích bắt giữ nhóm Linh, khi đến số nhà 203/24 Đinh Tiên Hoàng, thì đuổi kịp và có dung cây đánh Nguyễn Văn Thắng 01 cái trúng vào tay phải (không xác định được ai đánh). Sau đó, nhóm Linh bỏ chạy thoát, còn Tài, Minh quay về đơn vị.

Linh, Thắng, Vàng bỏ chạy về lán trại, mỗi tên lấy 1 đoạn gỗ có kích thước 4x8cm, dài khoảng 01m ở công trình đang xây dựng, chạy lên đầu hẻm 203/24 Đinh Tiên Hoàng để đánh lại các anh Cảnh sát, nhưng không gặp. Trần Văn Trừ chạy từ lán xây dựng lên gặp Linh, Thắng, Vàng, cả 3 kể với Trừ vừa bị đánh. Trừ lấy điện thoại di động gọi cho Lê Long Tây là bạn của Trừ và nói là bị đánh tại khách sạn Ấn Độ, Tây lên ngay. Tây mang theo một con dao Thái Lan và rủ Tý Giá (chưa xác định họ, địa chỉ) chạy xe mô tô đến. Khi đến ngã tư Phan Bội Châu, Tây gặp và rủ Trần Đại Chuyên, Trần Văn Minh đang ngồi uống rượu đi đánh nhau, cả hai đồng ý lấy xe mô tô cùng đi.

Khi Tây, Tý Giá, Chuyên và Minh chạy xe đến đầu hẻm đường Đinh Tiên Hoàng gặp Trừ, Thắng và Vàng. Trừ nói lại cho Tây biết vừa bị nhóm thanh niên ở đường Thăng Long đánh và bảo Linh, Thắng ngồi sau xe để Tây chở đi tìm, Chuyên chở Minh và Trừ, riêng Tý Giá không đi theo đồng bọn mà bỏ về. Cả bọn đến trước nhà Cảnh sát bảo vệ số 78 đường Thăng Long và dừng xe, anh Hồ Xuân Dũng đang ở trong nhà nhìn thấy nên hô lên: “ Bọn nó đến rồi kìa”, rồi cùng các anh Văn, Tài, Rồng, Hưng, Văn Anh, Vũ Minh chạy ra sau nhà tìm hung khí để tự vệ. Riêng anh Nguyễn Như Nam là chiến sỹ Công an thuộc Tiểu đội Cảnh sát bảo vệ mục tiêu Văn phòng Tỉnh ủy đanh nằm trên giường trong phòng 78 đọc sách, nên không biết sự việc xảy ra. Tây, Chuyên, Minh đứng ở ngoài đường la hét, còn Linh, Thắng, Vàng, Trừ đi vào phòng 78, Linh nhảy đến giường anh Nam đang nằm dùng gậy đánh nhiều cái vào đầu và tay. Tiếp đến, Thắng dùng cây gậy đánh một cái vào người, Trừ dùng đá đập vào đầu anh Nam, Vàng đứng chặn ở cửa phòng không cho anh Nam chạy thoát. Cùng lúc này, các anh Hiếu, Tài và một số chiến sỹ khác đã dùng cây gậy chạy từ sau nhà vào phòng 78 đánh trả lại nhóm của Linh làm cho nhóm của Linh phải bỏ chạy.

Anh Nguyễn Như Nam được đưa đi bệnh viện cấp cứu. Tại bản giám định pháp y số 720 ngày 31/7/2009 đã kết luận: “Anh Nguyễn Như Nam bị đa chấn thương sọ não, liệt ½ người phải, gãy monteggar phải và gãy 03 xương đốt bàn tay trái. Được giám định tỷ lệ thương tật là 71 %”.

Cả ba vụ án nêu trên, có điểm chung các bị can không bàn bạc cụ thể đi giết người, mà chỉ rủ đi đánh nhau. Kết quả xử lý vụ án đối với người trực tiếp thực hiện hành vi đánh người bị hại đều bị điều tra, truy tố, xét xử về tội giết người, còn những người đi cùng với người thực hành thì có nhiều  quan điểm xử lý và định tội khác nhau:

- Trong vụ thứ nhất, Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) truy tố Quang về tội giết người, theo Điều 93 khoản 1 điểm n Bộ luật hình sự (BLHS) với lập luận mặc dù Long và Quang không bàn bạc cụ thể là đi đến nhà Phương giết người, nhưng khi Long rủ và cầm theo hung khí là cây ống sắt, thì Quang phải nhận thức được Long sẽ dùng cây sắt để đánh người và hậu quả nguy hiểm sẽ xảy ra đối với người bị đánh có thể bị chết. Do đó, Quang phải chịu trách nhiệm hình sự cùng với Long về tội giết người.

Quan điểm của Tòa án cho rằng Long và Quang không bàn bạc đi đến nhà Nguyễn Văn Phương để giết người, không cùng chung ý chí, khi Long thực hiện hành vi giết người, Quang đứng ngoài giữ xe, nên không đồng phạm và cũng không phạm tội. Từ đó, trả hồ sơ yêu cầu VKS xem xét xác định Quang có phạm tội hay không và VKS đã ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án giết người đối với bị can Quang.

- Trong vụ thứ hai, quá trình điều tra, truy tố có hai quan điểm về việc định tội danh đối các tên Nguyễn Duy, Phạm Quốc Nam, Phạm Xuân Huy, Nguyễn Phú như sau:

+ Nguyễn Duy, Phạm Quốc Nam, Phạm Xuân Huy, Nguyễn Phú bàn bạc rủ nhau đi đánh nhóm của Khoa, khi đi Phú cầm theo con dao giấu trong người, đồng bọn không biết và khi Phú thực hiện hành vi giết người, thì nhóm Duy đứng ngoài cửa. Mặc dù trước khi đi, cả bọn không bàn bạc cụ thể giết người, nhưng Duy, Nam, Huy phải nhận thức được việc đánh người sẽ gây hậu quả nguy hiểm đối với người bị đánh có thể bị thương tích hoặc bị chết và có ý thức bỏ mặc cho hậu quả phát sinh. Do đó, hành vi phạm tội của Phú gây hậu quả đến đâu, thì Duy, Nam, Huy phải chịu trách nhiệm hình sự tới đó với vai trò là người giúp sức tinh thần.

+ Nhóm Duy, Nam, Huy, Phú rủ nhau đi đánh nhóm của Khoa. Duy, Nam, Huy không cầm theo hung khí và cũng không biết Phú cầm theo dao, nên xét về ý thức chủ quan các đối tượng này chỉ mong muốn đánh nhóm Khoa gây thương tích, chứ không mong muốn hậu chết người xảy ra và cũng không thể buộc nhận thức được Phú có hành vi dùng dao giết người. Phú không sử dụng dao đâm chết người trong nhóm của Khoa, khi anh Trường (không phải người trong nhóm Khoa) đứng lên, Phú tưởng nhầm anh Trường là người trong nhóm của Khoa, nên đã cầm dao đâm chết. Như vậy, hành vi của Phú vượt quá tội phạm cố ý gây thương tích và đối tượng mà cả bọn bàn đi đánh nhau là nhóm của Khoa, nên Duy, Nam, Huy không phạm tội.

- Trong vụ thứ ba, có 3 quan điểm khác nhau của các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự ở hai cấp trong trình điều tra, truy tố, xét xử như sau:

+ Quan điểm của CQĐT: Kết luận và đề nghị truy tố Hà Xuân Linh cùng đồng bọn về tội giết người.

+ Quan điểm của VKSND: Quyết định trả hồ sơ yêu cầu CQĐT thay đổi quyết định khởi tố vụ án, quyết định khởi tố bị can từ tội giết người sang tội cố ý gây thương tích và ban hành cáo trạng truy tố Hà Xuân Linh cùng đồng bọn về tội cố ý gây thương tích. Toà án nhân dân tỉnh cũng thống nhất quan điểm và xét xử tội danh như VKSND truy tố.

+ Quan điểm của Viện thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm tại ĐN đề nghị Hội đồng xét xử Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại ĐN xét xử các bị cáo Trần Văn Trừ, Hà Xuân Linh, Nguyễn Văn Thắng, Trần Thái Vàng, về tội giết người; Trần Đại Chuyên, Trần Văn Minh, Lê Long Tây về tội gây rối trật tự công cộng. Toà án phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại ĐN đã xét xử các bị cáo như quan điểm của Viện thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm tại ĐN.

Quan điểm tác giả

Vụ án thứ nhất, Long rủ Quang đi đánh nhau và Long cầm theo hung khí là cây ống sắt, thì Quang phải nhận thức được Long sẽ dùng cây sắt để đánh người và hậu quả nguy hiểm sẽ xảy ra đối với người bị đánh có thể bị thương tích hoặc bị chết. Quang không mong muốn hậu quả chết người xảy ra, nhưng có ý thức bỏ mặc cho hậu quả xảy ra, lỗi của Quang trong vụ án này là cố ý gián tiếp. Theo lý luận về yếu tố chủ quan của tội phạm, thì hậu quả chết người chưa xảy ra và lỗi của người phạm tội là cố ý gián tiếp thì chỉ chịu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích mà không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người trong trường hợp phạm tội chưa đạt. Hành vi phạm tội của Long gây hậu quả làm anh Phương bị thương tích 81%, nên Quang phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích.

Đối với Long dùng hung khí nguy hiểm là ống sắt, đánh mạnh vào đầu, vị trí xung yếu của cơ thể con ng­ười rất nhiều khả năng dẫn đến chết ngư­ời, qua hành vi khách quan thể hiện ý thức chủ quan của Long nhận thức hành vi phạm tội sẽ dẫn đến chết người và mong muốn cho hậu quả xảy ra, nên lỗi của Long là lỗi cố ý trực tiếp. Long không thực hiện được tội phạm là do bị can ngăn và anh Phương không chết là ngoài ý muốn chủ quan của Long. Như vậy, hành vi của Long phạm tội giết người, theo Điều 93 khoản 1 điểm n BLHS là chính xác.

Vụ thứ hai, xác định hành vi phạm tội của Duy, Nam, Huy không phải đồng phạm với Phú về tội giết người vì cho rằng Phú, Duy, Nam, Huy bàn bạc, rủ đi đánh nhau với nhóm của Khoa và cả bọn không ai mang theo hung khí, nên xét về yếu tố lỗi không buộc các bị can nhận thức việc đánh nhau bằng tay có thể dẫn chết người và các bị can cũng không mong muốn hậu quả chết người xảy ra, mà chỉ nhận thức và mong muốn hậu quả gây thương tích cho nhóm của Khoa, nên xử lý về tội cố ý gây thương tích là chưa đúng với lý luận về đồng phạm. Bởi lẽ, mặc dù Phú tự ý mang theo con dao giấu trong người, nhóm Duy, Nam, Huy không biết, nhưng khi đi, tất cả bàn bạc đi đánh người, nên tất cả nhận thức được và buộc phải nhận thức được có thể gây ra hậu quả xâm phạm sức khỏe, kể cả tính mạng, mặc dù các đối tượng đi theo không mong muốn hậu quả xảy ra, nhưng có ý thức bỏ mặc hậu quả xảy ra thuộc lỗi cố ý gián tiếp, nên hậu quả đến đâu xử lý tội danh tương ứng tới đó. Do vậy, việc khởi tố, truy tố, xét xử các bị can Duy, Nam, Huy về tội giết người là có căn cứ, đúng lý luận về định tội danh và chế định đồng phạm theo quy định của pháp luật.

Vụ án thứ ba, Linh, Thắng, Trừ, Vàng, Tây, Chuyên, Minh cùng mang theo dao, gậy rủ nhau đi đánh nhau. Tây, Chuyên, Minh phải nhận thức được hành vi sử dụng hung khí để đánh người sẽ xảy ra đối với người bị đánh có thể bị thương tích hoặc bị chết và bỏ mặc cho hậu quả xảy ra. Lỗi của Tây, Chuyên, Minh là cố ý gián tiếp, nên hậu quả do hành vi phạm tội của nhóm Linh gây hậu quả đến đâu, thì nhóm của Tây đứng ngoài phải chịu trách nhiệm hình sự tới đó. Như vậy, cần phải khởi tố, truy tố, xét xử đối với Tây, Chuyên, Minh về tội “Cố ý gây thương tích”.

Đối với Linh, Thắng, Trừ, Vàng bị xử lý về tội giết người như nhận định của các cơ quan tiến hành tố tụng cấp phúc thẩm tại Đà Nẵng là hoàn toàn chính xác.

Việc vận dụng các quy định của pháp luật xử lý trong các vụ án nêu trên sẽ dẫn đến một loạt hệ lụy trong hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng đó là xử lý không đúng người, không đúng tội, bỏ lọt tội phạm, không đảm bảo nguyên tắc pháp chế.

Trong những năm qua các cơ quan Toà án, Viện kiểm sát và nhiều nhà nghiên cứu khoa học pháp lý đã có nhiều chuyên đề nghiên cứu và tổng kết kinh nghiệm về vấn đề này như: Bản Chuyên đề tổng kết thực tiễn xét xử loại tội giết người (Công văn số 452-HS2 ngày 10/8/1970 của Tòa án nhân dân tối cao); Chuyên đề một số kinh nghiệm trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án giết người, năm 2010 của Vụ 1A Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Tuy nhiên, trong thực tế diễn biến tình hình tội phạm giết người xảy ra hết sức đa dạng và phức tạp, chưa kể đến các tội phạm giết người có mức cao nhất của khung hình phạt là tử hình, do đó không tránh khỏi việc bị can khai báo gian dối hoặc đổ trách nhiệm cho nhau, nên không thể tiếp tục để các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng cứ ngồi nghiền ngẫm “cân đong, đo đếm chi ly” những dấu hiệu pháp lý đối chiếu nội dung vụ án để quyết định xử lý, mà các cơ quan tư có thẩm quyền cần phải có nghị quyết, thông tư liên tịch có giá trị pháp lý chính thức tổng kết, hướng dẫn để các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự thực hiện thống nhất.

Việc ban hành các nghị quyết, thông tư liên tịch hướng dẫn cần dựa trên cơ sở tổng kết rút kinh nghiệm các vụ án giết người đã xét xử, để tập hợp hóa, hệ thống hoá và hướng dẫn chung về các trường hợp, tình huống cụ thể xảy ra nhằm định tội danh trong các trường hợp xảy ra tương tự như trên. Theo quan điểm của chúng tôi, trước tiên cần sửa đổi, bổ sung khái niệm về tội giết người, quy định tại Điều 93 khoản 1 theo hướng:

“Người nào tước đoạt tính mạng của người khác một cách trái pháp luật thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:…”.

Hướng dẫn định tội danh giết người theo hướng: Hành vi sử dụng hung khí nguy hiểm, nhằm tấn công vào các vùng trọng yếu trên cơ thể con người dễ dẫn đến chết người, với cường độ mạnh, nếu nạn nhân không chết cũng phải định tội giết người.

Đối với các vụ án giết người, không có trao đổi bàn bàn, lên kế hoạch thống nhất ý chí cùng nhau phạm tội giết người, mà chỉ dừng lại ở mức độ bột phát lôi kéo, rủ rê đi đánh nhau, thì hậu quả chết người hoặc không chết người, cần vận dụng nhiều chế định khác nhau của luật hình sự để phân tích, xử lý được chính xác, đúng pháp luật theo hướng như sau:

Một là, nếu trước khi đi có người cầm theo hung khí nguy hiểm, cả bọn cùng biết và trong lúc đánh nhau, người cầm hung khí đánh nạn nhân chết thì cần định tội tất cả về tội giết người, vì tất cả đã mặc nhiên tiếp nhận mục đích giết người của người cầm hung khí.

Hai là, nếu người thực hiện hành vi đánh nạn nhân không chết vì nguyên nhân ngoài ý muốn chủ quan của người thực hành, như vụ thứ nhất và vụ thứ ba, thì định tội danh những người đi theo về tội cố ý gây thương tích, vì lỗi của những người đi theo thuộc cố ý gián tiếp, nên hậu quả đến đâu chỉ xử lý tội danh tương ứng tới đó.

Ba là, nếu trước khi đi có người cầm theo hung khí nguy hiểm giấu vào trong người, những người đi theo không biết và trong lúc đánh nhau, người cầm hung khí lén đâm nạn nhân chết, cần định tội tất cả về tội giết người. Vì các đối tượng cùng đi với ý định đánh người, cùng nhận thức được và buộc phải nhận thức được có thể gây ra hậu quả xâm phạm sức khỏe, kể cả tính mạng, mặc dù các đối tượng đi theo không mong muốn hậu quả xảy ra, nhưng có ý thức bỏ mặc hậu quả xảy ra thuộc lỗi cố ý gián tiếp, nên hậu quả đến đâu xử lý tội danh tương ứng tới đó.

Ths Lê Đức Xuân - Phó Hiệu trưởng

    Ý kiến bạn đọc


    ĐĂNG NHẬP