Những khó khăn vướng mắc trong thực tiễn 5 năm thi hành Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 qua công tác kiểm sát giải quyết các vụ, việc dân sự, HNGĐ, KDTM, lao động.
15:21 22/04/2021

Ngày 25/11/2015, Quốc thứ XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua Bộ luật tố tụng dân sự 2015 (viết tắt BLTTDS 2015), có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/6/2016. Bộ luật tố tụng dân sự 2015, gồm 517 điều, được bố cục thành 10 phần, 42 chương. Bộ luật tố tụng dân sự 2015 đã thể chế  hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về cải cách tư pháp, đảm bảo tính đồng bộ, dân chủ, công khai, minh bạch, tôn trọng và bảo vệ quyền con người; xác định rõ hơn vị trí, quyền hạn, trách nhiệm của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng; tạo điều kiện cho các đương sự chủ động thu thập chứng cứ, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của mình; xây dựng cơ chế theo thủ tục rút gọn; khuyến khích giải quyết tranh chấp thông qua thương lượng, hòa giải. Bên cạnh những ưu điểm, sau 5 năm thực hiện, BLTTDS năm 2015 phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập trong áp dụng pháp luật và trong quá trình thực hiện công tác kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động.

* Khó khăn, vướng mắc trong áp dụng BLTTDS 2015:

- Về thời hạn yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện yêu cầu của Tòa án: Đối với các trường hợp Tòa án ra quyết định Tạm đình chỉ theo quy định tại Điểm d, đ Khoản 1 Điều 214; Khoản 4 Điều 215 BLTTDS. Bộ luật tố tụng dân sự chưa quy định thời hạn cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện theo yêu cầu của Tòa án về ủy thác tư pháp, ủy thác thu thập chứng cứ, cung cấp tài liệu chứng cứ… dẫn đến kéo dài thời hạn giải quyết án, làm ảnh hưởng quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.

- Quy định về giải quyết hậu quả đối với các vụ, việc có Quyết định Giám đốc thẩm: Bộ luật tố tụng dân sự và các văn bản hướng dẫn chưa có quy định cụ thể trong trường hợp vụ việc đã được thi hành án xong (về bồi thường thiệt hại, trả đất tranh chấp, phá dỡ công trình tranh chấp…), dẫn đến khó khăn trong hướng xử lý, giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm.

- Vướng mắc trong thực hiện quy định tại Khoản 2 Điều 473 BLTTDS 2015 về yêu cầu cung cấp thông tin về nhân thân, xác định địa chỉ của đương sự ở nước ngoài: Thực tiễn công dân Việt Nam đi lao động tự do, không có địa chỉ ở nước ngoài rất nhiều. Việc Ủy thác tư pháp để xác định địa chỉ của đương sự gặp rất nhiều khó khăn. Theo định tại Khoản 2 Điều 473 BLTTDS 2015 “trường hợp cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài trả lời cho Tòa án Việt Nam không xác định được địa chỉ của đương sự ở nước ngoài hoặc sau 6 tháng mà không có trả lời thì Tòa án trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu”. Quy định như trên dẫn đến giải quyết ly hôn theo yêu cầu của đương sự rất khó thực hiện, làm ảnh hưởng đến quyền được ly hôn để tạo lập cuộc sống mới của đương sự.

-  Về sao gửi biên bản hòa giải thành: BLTTDS 2015 và thông tư liên tịch 02/2016, không quy định đồng thời việc Tòa án gửi Quyết định công nhận thỏa thuận các đương sự, phải sao gửi luôn biên bản ghi nhận hòa giải thành của các đương sự. Trên thực tiễn có những vụ, việc Tòa án giải quyết không khách quan, chính xác, Viện kiểm sát không phát hiện được vi phạm của Tòa án, dẫn đến rất nhiều trường hợp phải báo cáo đề nghị kháng nghị theo thủ tục Giám đốc thẩm.

- Về việc tống đạt văn bản tố tụng: Theo quy định tại khoản 2, Khoản 3 Điều 171 BLTTDS thì thông báo, giấy báo, giấy triệu tập, giấy mời và quyết định kháng nghị của Viện kiểm sát, các văn bản của cơ quan thi hành án dân sự là văn bản tố tụng phải được cấp, tống đạt cho đương sự. Theo quy định tại Điều 172 về việc người thực hiện việc tống đạt văn bản tố tụng lại không quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tống đạt văn bản tố tụng của Viện kiểm sát, của cơ quan thi hành án dân sự. Do điều luật quy định chưa chặt chẽ nên trong trường hợp Viện kiểm sát kháng nghị, có văn bản yêu cầu hoặc có giấy mời đương sự thì rất khó khăn trong việc cấp, tống đạt văn bản tố tụng vì sẽ không nhận được sự phối hợp của UBND cấp xã, cơ quan chủ quản nơi đương sự cư trú, làm việc.

- Về yêu cầu chuyển hồ sơ vụ án: Theo điểm b, Khoản 1 Điều 5 Thông tư liên tịch số 02/2016/TTLT ngày 31/8/2016 quy định về việc phối hợp giữa TAND và VKSND về việc thi hành một số quy định của Bộ luật TTDS, theo đó sau thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu Tòa án phải chuyển hồ sơ cho VKS có văn bản yêu cầu. Tuy nhiên, thực tế việc chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát chưa được Tòa án thực hiện nghiêm, nhiều trường hợp Tòa án chỉ chuyển hồ sơ khi đã hết thời hạn kháng nghị phúc thẩm, thậm chí có trường hợp không chuyển hồ sơ. Việc chuyển hồ sơ chậm của Tòa án làm ảnh hưởng đến việc xem xét kháng nghị của Viện kiểm sát, dẫn đến số lượng kháng nghị không nhiều so với án bị hủy, sửa.

- Về nghiên cứu hồ sơ: Theo quy định tại Khoản 3 Điều 58 BLTTDS thì Kiểm sát viên có quyền yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự và kinh doanh thương mại. Tuy nhiên thời gian nghiên cứu hồ sơ của VKS để tham gia phiên tòa là 15 ngày, trong thời gian này vừa nghiên cứu hồ sơ, vừa đề ra yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập chứng cứ là rất khó thực hiện, đặc biệt thời hạn này gần với ngày Tòa án mở phiên tòa, nên Thẩm phán khó thực hiện yêu cầu của Kiểm sát viên.

- Về thời hạn chỉnh sửa và giải thích bản án: Điều 268 Bộ luật TTDS năm 2015 không quy định rõ thời gian Tòa án chỉnh, sửa, bổ sung bản án, do đó có trường hợp Tòa án thông báo sửa chữa, bổ sung bản án khi VKS đã ban hành kháng nghị.

- Theo quy định tại Khoản 2 Điều 192; Khoản 2 Điều 364 BLTTDS khi trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu, Thẩm phán phải có văn bản nêu rõ lý do, đồng thời gửi cho Viện kiểm sát. Tuy nhiên BLTTDS 2015 cũng như Điều 12 Thông tư liên tích 02/2016, chưa quy định trong thời hạn bao lâu thì Tòa án phải gửi văn bản trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu cho Viện kiểm sát, dẫn đến việc Tòa án gửi văn bản trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu không thống nhất về thời hạn.

-  Theo quy định Bộ luật TTDS thì cá nhân, cơ quan, tổ chức đang lưu giữ chứng cứ có trách nhiệm cung cấp đầy đủ kịp thời theo yêu cầu của Tòa án, VKS trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu, trường hợp không cung cấp đầy đủ, kịp thời thì tùy theo mức độ vi phạm có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật. Về trách nhiệm cung cấp tài liệu, chứng cứ của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền theo quy định tại điều 7 BLTTDS. Nhưng hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể về việc nếu vi phạm thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật như thế nào.

- Về thực hiện kiểm sát thông báo thụ lý vụ án: BLTTDS 2015, chưa có quy định Viện kiểm sát có quyền yêu cầu Tòa án cung cấp hồ sơ để thực hiện kiểm sát thông báo thụ lý vụ án, dẫn đến khó xác định được vi phạm của Tòa án trong bỏ sót người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan; trong xác định tư cách tham gia tố tụng; quan hệ pháp luật tranh chấp.

* Khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện ở đơn vị:

- Về kéo dài thời hạn giải quyết: Bộ luật tố tụng dân sự chưa quy định thời hạn cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện theo yêu cầu của Tòa án về ủy thác tư pháp, ủy thác thu thập chứng cứ, cung cấp tài liệu chứng cứ dẫn đến vụ án có quyết định Tạm đình chỉ không có thời hạn phục hồi giải quyết án;  Việc hoãn phiên tòa theo yêu cầu của đương sự: Một số vụ án có nhiều đương sự tham gia tố tụng, khi Tòa án có thông báo mở lại phiên tòa các đương sự có đơn xin hoãn phiên tòa, dẫn đến phiên tòa phải hoãn theo yêu cầu của đương sự, thời hạn hoãn phiên tòa mỗi lần là một tháng, dẫn đến kéo dài thời hạn giải quyết án.

- Trong công tác kiểm sát bản án, quyết định:  Một số vụ án dân sự, hôn nhân gia đình tranh chấp về đất đai; tài sản; hợp đồng dân sự, Tòa án cấp sơ thẩm chậm gửi bản án, quyết định theo quy định của BLTTDS, dẫn đến Viện kiểm sát không có thời gian để xem xét kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm; Viện kiểm sát yêu cầu Tòa án chuyển hồ sơ nhưng Tòa án gửi chậm hồ sơ dẫn đến khó khăn cho việc kiểm sát để phát hiện vi phạm của Tòa án và làm ảnh hưởng đến quyền kiến nghị, kháng nghị.

- Trong công tác kiểm sát biên bản phiên tòa: Đối với một số vụ án tính chất tranh chấp phức tạp, có nhiều đương sự tham gia phiên tòa, thư ký chưa thể bổ sung hết được nội dung vào biên bản phiên tòa, nên việc lập biên bản kiểm tra biên bản phiên tòa sau khi kết thúc phiên tòa gặp khó khăn.

Phòng 9

    Ý kiến bạn đọc


    ĐĂNG NHẬP