Trên cơ sở kết quả xác minh điều kiện thi hành án, xác định đương sự không có khả năng thực hiện nghĩa vụ, cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định chưa có điều kiện thi hành án đồng thời định kỳ tiến hành xác minh theo từng tình trạng nhân thân của người phải thi hành. Việc chưa có điều kiện thi hành án được chia làm hai loại bao gồm: Việc chưa có điều kiện thi hành và việc chưa có điều kiện thi hành trong diện theo dõi riêng. Thông qua công tác kiểm sát thi hành án dân sự, hành chính, nhận thấy còn một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc chưa có điều kiện thi hành án chuyển sổ theo dõi riêng, cụ thể như sau:
Thứ nhất, tại Khoản 5 Điều 9 Nghị định 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thi hành án dân sự về những điều kiện để Cơ quan thi hành án dân sự chuyển sang sổ theo dõi riêng đối với việc chưa có điều kiện thi hành án, bao gồm:
“ a) Đã hết thời hạn 02 năm, kể từ ngày ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án đối với trường hợp người đang chấp hành hình phạt tù mà thời gian chấp hành hình phạt tù còn lại từ 02 năm trở lên hoặc không xác định được địa chỉ, nơi cư trú mới của người phải thi hành án hoặc đã hết thời hạn 01 năm, kể từ ngày ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án;
b) Đã xác minh ít nhất hai lần theo quy định tại Khoản 2 Điều 44 Luật Thi hành án dân sự;
c) Không có thông tin mới về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án” .
Đối chiếu với khoản 6 Điều 9 Nghị định 62: “Trường hợp quy định tại khoản 5 Điều này, nếu người phải thi hành án có điều kiện thi hành thì cơ quan thi hành án dân sự phải tổ chức thi hành” , như vậy, chỉ khi nắm bắt được thông tin mới về việc người phải thi hành án đã có điều kiện thi hành án trở lại, cơ quan thi hành án mới tiếp tục tổ chức thi hành. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành không có quy định cụ thể về cách thức quản lý loại việc này. Việc “theo dõi riêng” sẽ được tiến hành như thế nào, Chấp hành viên có phải trực tiếp xác minh điều kiện thi hành án hay không hoặc sẽ phải có những biện pháp gì để nắm bắt biến động về tài sản của người phải thi hành?
Thực tế cho thấy, mặc dù được đưa vào diện chưa có điều kiện và cụ thể là chưa có điều kiện theo dõi riêng - mang tính chất là việc khó thi hành, nhưng khả năng thi hành án của đương sự vẫn có khả năng thay đổi, ở các thời điểm khác nhau thì điều kiện thi hành án có thể khác nhau, cần hiểu rằng, hiếm có trường hợp đương sự khi đã có điều kiện thi hành án trở lại mà tự nguyện thi hành án, trái lại có thái độ trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ, nếu Cơ quan thi hành án dân sự thụ động trong quản lý việc chưa có điều kiện theo dõi riêng, trừ những khoản thu nộp ngân sách Nhà nước được giải quyết khi đến hạn đủ điều kiện xét miễn, giảm, hầu hết đều tồn đọng lại.
Thứ hai, do chưa có quy định của pháp luật nên hoạt động chuyển sổ theo dõi riêng đối với việc chưa có điều kiện thi hành án không được thực hiện theo một thủ tục cụ thể nào, ví dụ ra quyết định về thi hành án hoặc ban hành thông báo về thi hành án, gây khó khăn cho hoạt động kiểm sát của Viện kiểm sát, trong một số trường hợp có thể không kịp thời phát hiện vi phạm nếu Cơ quan thi hành án dân sự xác định việc theo dõi riêng chưa đúng quy định.
Thứ ba, hiện nay, Thông tư số 06/TT-BTP ngày 21/11/2019 của Bộ Tư pháp quy định về chế độ thông tin, báo cáo thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính đã có hiệu lực thi hành, theo đó, số liệu liên quan đến việc thi hành án dân sự chưa có điều kiện đã đưa vào sổ theo dõi riêng sẽ không được thống kê, trong khi đó, thống kê kiểm sát thi hành án dân sự (Biểu số 28 ban hành kèm theo Quyết định số 560/QĐ-VKSTC của Viện kiểm sát nhân dân tối cao) và thống kê thi hành án dân sự liên ngành (Biểu số 01, 02/TKLN-THADS ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 06/2016/TTLT-BTP-VKSNDTC-TANDTC) vẫn thực hiện thống kê số liệu trên dẫn đến khó khăn trong công tác tổng hợp, đối chiếu giữa hai ngành, cũng như sự không đồng bộ, thống nhất trong thống kê, báo cáo.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, xin kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền, liên ngành trung ương một số góp ý sửa đổi, bổ sung như sau:
Cần quy định rõ trách nhiệm của Chấp hành viên, cán bộ trực tiếp quản lý hồ sơ việc chưa có điều kiện theo dõi riêng về định kỳ tiến hành xác minh điều kiện thi hành án của đương sự; chủ động giữ liên lạc với Ủy ban nhân dân, Công an phường, xã – nơi cư trú của người phải thi hành án, hoặc Ban quản lý Trại giam nơi người phải thi hành án đang chấp hành án phạt tù, nhằm sát sao với thực tế biến động tài sản của đương sự, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bên được thi hành án một cách có hiệu quả, tránh trường hợp đương sự có thái độ trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ, hạn chế tình trạng “treo việc” dài hạn. Bên cạnh đó, để đảm bảo hiệu quả công tác kiểm sát, Viện kiểm sát nhân dân cần chủ động trực tiếp xác minh điều kiện thi hành án của đương sự, kiểm tra tính hợp pháp hoạt động chuyển sổ theo dõi riêng đối với việc chưa có điều kiện của Cơ quan thi hành án dân sự cũng như nắm bắt tình trạng biến động về tài sản của người phải thi hành án, kịp thời có các yêu cầu, kiến nghị đối với Cơ quan thi hành án dân sự khi phát hiện vi phạm;
Luật thi hành án dân sự cần được bổ sung quy định về ra quyết định chuyển sổ theo dõi riêng đối với việc chưa có điều kiện thi hành án, gửi quyết định cho Viện kiểm sát có thẩm quyền, thực hiện thông báo cho đương sự hoặc niêm yết công khai tại UBND phường, xã nơi thực hiện xác minh.
Liên ngành trung ương cần xem xét, sửa đổi để có sự thống nhất về cách thức thống kê số liệu thi hành án đối với việc chưa có điều kiện thi hành chuyển sổ theo dõi riêng trong biểu thống kê của mỗi ngành và liên ngành để tạo sự nhất quán, đồng bộ, góp phần cho công tác thống kê, báo cáo thi hành án dân sự, kiểm sát thi hành án dân sự đạt hiệu quả cao.
Cẩm Thơ