Ngày 16/6/2020, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án (sau đây gọi tắt là Luật). Luật này gồm 04 chương, 42 điều; có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021. Để thực hiện tốt chức năng kiểm sát các quyết định của Tòa án, Kiểm sát viên được phân công cần phải nghiên cứu kỹ những nội dung sau:
1. Nắm vững các quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án
1.1. Phạm vi điều chỉnh của Luật (Điều 1):
Hòa giải, đối thoại theo quy định của Luật này được thực hiện trước khi Tòa án thụ lý vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; việc yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn; vụ án hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính.
Luật này không áp dụng đối với hoạt động hòa giải, đối thoại đã được luật khác quy định.
1.2. Nguyên tắc hòa giải, đối thoại tại Tòa án (Điều 3):
Luật này quy định 09 nguyên tắc hòa giải, đối thoại tại Tòa án; trong đó, đặc biệt nhấn mạnh 02 nguyên tắc cơ bản là nguyên tắc tự nguyện và nguyên tắc bảo mật thông tin trong hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Cụ thể:
Về nguyên tắc tự nguyện trong hòa giải, đối thoại tại Tòa án: Hòa giải, đối thoại tại Tòa án là hoạt động trước tố tụng nhưng không mang tính bắt buộc, người khởi kiện, người yêu cầu, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền đồng ý hoặc không đồng ý giải quyết vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính bằng cơ chế hòa giải, đối thoại tại Tòa án; nếu không đồng ý thì giải quyết theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính.
Trong quá trình hòa giải, đối thoại, Hòa giải viên phải luôn tôn trọng sự tự nguyện của các bên; các nội dung thỏa thuận, thống nhất phải phản ánh đúng ý chí của các bên tham gia hòa giải, đối thoại; tuyệt đối không được đe dọa, ép buộc các bên thỏa thuận, thống nhất trái với ý chí của họ.
Về nguyên tắc bảo mật thông tin: Đây là nguyên tắc nổi bật nhất của Luật này. Theo đó, “Các thông tin liên quan đến vụ việc hòa giải, đối thoại phải được giữ bí mật ”, trừ trường hợp người đã xuất trình tài liệu, trình bày ý kiến trong quá trình hòa giải, đối thoại đồng ý việc sử dụng tài liệu, lời trình bày của mình trong quá trình hòa giải, đối thoại làm chứng cứ hoặc phải sử dụng làm chứng cứ theo quy định của luật.
1.3. Chính sách của Nhà nước đối với hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án (Điều 5, Điều 6 và Điều 9):
Nhà nước bảo đảm chi từ ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án do ngân sách Nhà nước bảo đảm, trừ các trường hợp sau đây thì chi phí hòa giải do các bên tham gia hòa giải, đối thoại chịu:
- Chi phí hòa giải đối với tranh chấp về kinh doanh, thương mại có giá ngạch;
- Chi phí khi các bên thống nhất lựa chọn địa điểm hòa giải, đối thoại ngoài trụ sở Tòa án; chi phí khi Hòa giải viên xem xét hiện trạng tài sản liên quan đến vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính mà tài sản đó nằm ngoài phạm vi địa giới hành chính của tỉnh nơi Tòa án có thẩm quyền giải quyết có trụ sở;
- Chi phí phiên dịch tiếng nước ngoài.
1.4. Trách nhiệm của Tòa án nhân dân trong hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án (Điều 7):
Hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án là hoạt động gắn với Tòa án, do Tòa án nhân dân tổ chức thực hiện. Do vậy, Tòa án có trách nhiệm, sau:
- Tổ chức, quản lý hoạt động hòa giải, đối thoại theo quy định của Luật này, gồm: Chỉ định, hỗ trợ, hướng dẫn Hòa giải viên tiến hành hòa giải, đối thoại; đánh giá, nhận xét kết quả hoạt động của Hòa giải viên; bố trí địa điểm, trang thiết bị và điều kiện bảo đảm khác cho hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án,…
- Bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, xóa tên Hòa giải viên; cấp, thu hồi thẻ Hòa giải viên; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải, đối thoại.
- Đề xuất, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án theo quy định của pháp luật;
- Khen thưởng và xử lý vi phạm trong hoạt động hòa giải, đối thoại;
- Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của Luật.
1.5. Điều kiện bổ nhiệm Hòa giải viên (Điều 10):
+ Điều kiện cần: Người muốn được bổ nhiệm hòa giải viên phải là: Công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu trong việc chấp hành pháp luật.
+ Điều kiện đủ : Ngoài những điều kiện cần nói trên, người muốn được bổ nhiệm làm Hòa giải viên còn phải có đủ các điều kiện sau đây:
- Phải là người có quá trình công tác hoặc làm một trong những công việc như đã là Thẩm phán, Thẩm tra viên Tòa án, Thư ký Tòa án, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên Viện kiểm sát, Chấp hành viên Thi hành án dân sự, Thanh tra viên; là Luật sư, chuyên gia, nhà chuyên môn khác có ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác; là người có hiểu biết về phong tục tập quán, có uy tín trong cộng đồng dân cư;
- Có kinh nghiệm, kỹ năng hòa giải, đối thoại;
- Có sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao;
- Có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải, đối thoại do cơ sở đào tạo của Tòa án nhân dân tối cao cấp, trừ người đã là Thẩm phán, Thẩm tra viên chính, Thẩm tra viên cao cấp, Thư ký Tòa án ngạch Thư ký viên chính, Thư ký viên cao cấp, Kiểm sát viên, Chấp hành viên thi hành án dân sự, Thanh tra viên.
1.6. Trình tự, thủ tục hòa giải, đối thoại và công nhận kết quả hòa giải, đối thoại tại Tòa án:
Trình tự, thủ tục hòa giải, đối thoại và công nhận kết quả hòa giải, đối thoại tại Tòa án được thực hiện theo quy định tại Điều 26 của Luật này. Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành có hiệu lực pháp luật và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính; được thi hành theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, tố tụng hành chính. Quyết định này có thể bị xem xét lại theo đề nghị của các bên, người đại diện hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến quyết định của Tòa án, theo kiến nghị của Viện kiểm sát nếu có căn cứ cho rằng nội dung thỏa thuận, thống nhất của các bên vi phạm một trong các điều kiện quy định tại Điều 33 của Luật này.
2. Kiểm sát việc tuân theo pháp luật các q uyết định công nhận hoặc không công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành của Tòa án
Trong quá trình kiểm sát, Kiểm sát viên cần nắm vững các quy định liên quan đến hoạt động của Viện kiểm sát bao gồm:
2.1. Kiểm sát về thời hạn giải quyết:
Kiểm sát viên cần căn cứ vào khoản 2, 3 của Luật để xem xét việc Thẩm phán ra quyết định có đúng thời hạn hay không.
“ 2. Thời hạn chuẩn bị ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành là 15 ngày kể từ ngày Tòa án nhận được biên bản và tài liệu kèm theo. Trong thời hạn này, Thẩm phán được Chánh án Tòa án phân công xem xét ra quyết định có các quyền sau đây:
a) Yêu cầu một hoặc các bên trình bày ý kiến về kết quả hòa giải thành, đối thoại thành đã được ghi tại biên bản;
b) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền cung cấp cho Tòa án tài liệu làm cơ sở cho việc ra quyết định, nếu xét thấy cần thiết. Cơ quan, tổ chức, cá nhân được Tòa án yêu cầu có trách nhiệm trả lời Tòa án trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu của Tòa án.
3. Hết thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, Thẩm phán phải ra một trong các quyết định sau đây:
a) Trường hợp có đủ điều kiện quy định tại Điều 33 của Luật này thì Thẩm phán ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành;
b) Trường hợp không có đủ điều kiện quy định tại Điều 33 của Luật này thì Thẩm phán ra quyết định không công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành và nêu rõ lý do. Thẩm phán chuyển quyết định, biên bản và tài liệu kèm theo cho Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật về tố tụng. ”
2.2. Kiểm sát việc chấp hành thời hạn gửi quyết định:
Kiểm sát viên cần căn cứ vào khoản 4, Điều 32 để xác định thời hạn gửi quyết định cho Viện kiểm sát đúng quy định hay không.
“ 4. Quyết định công nhận hoặc không công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành được gửi cho các bên và Viện kiểm sát cùng cấp trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày Tòa án ra quyết định ”
2.3. Về thực hiện quyền kiến nghị của Viện kiểm sát:
Kiểm sát viên cần phải nghiên cứu các nội dung thỏa thuận có vi phạm các quy định tại Điều 33 của Luật này hay không; sau đó, căn cứ vào Điều 36 để thực hiện quyền kiến nghị.
Nếu có căn cứ cho rằng nội dung thỏa thuận, thống nhất của các bên trong quyết định của Tòa án vi phạm một trong các điều kiện quy định tại Điều 33 của Luật này, Viện kiểm sát có quyền kiến nghị.
Về thời hạn xem xét để ban hành kiến nghị là 15 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định của Tòa án.
Văn bản kiến nghị của Viện kiểm sát phải gửi đến Tòa án cấp trên trực tiếp của Tòa án đã ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành để xem xét lại quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành. ( Điều 37)
2.4. Về các biểu mẫu để kiểm sát, báo cáo:
- Biểu mẫu: Trong lúc Vụ 9, Vụ 10 VKSND tối cao chưa có hướng dẫn đề nghị các đồng chí vận dụng Mẫu số 14 phiếu kiểm sát các quyết định của Tòa án ban hành kèm theo Quyết định 204/QĐ-VKSTC ngày 01/6/2017
- Về báo cáo số liệu: Hàng tháng, đề nghị các đơn vị gửi danh sách kèm theo báo cáo thống kê.
Trên đây là một số nội dung cần quan tâm trong công tác kiểm sát các quyết định theo Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án, các đồng chí nghiên cứu để vận dụng trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ ./.
Phòng 9, Viện KSND tỉnh Hà Tĩnh
|
|