Qua 5 năm thi hành Luật tố tụng hành chính 2015, với những quy định mới về chức năng, nhiệm vụ, Viện KSND tỉnh Hà Tĩnh đã có nhiều biện pháp công tác, thực hiện tốt các quy định của Luật, góp phần đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật, sự công bằng, bình đẳng, tuân thủ pháp luật của các chủ thể trong tố tụng hành chính.
Sau đây xin giới thiệu đến bạn đọc một số khó khăn vướng mắc và kinh nghiệm thực tiễn được rút ra thông qua công tác kiểm sát giải quyết các vụ án hành chính :
1. Những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật tố tụng hành chính 2015 liên quan đến công tác kiểm sát giải quyết án hành chính :
- Luật TTHC năm 2015 và Thông tư liên tịch số 03/2016 ngày 31/8/2016 của Tòa án nhân dân tối cao - Viện kiểm sát nhân dân tối cao không quy định cụ thể về thời gian Viện kiểm sát được tiếp cận tài liệu, chứng cứ cũng như việc sao chụp các tài liệu đã thu thập được phục vụ cho công tác kiểm sát. Việc Luật không quy định các vấn đề nêu trên đã gây khó khăn cho Viện kiểm sát trong quá trình kiểm sát giải quyết vụ án, vì các vụ án hành chính thường rất phức tạp, nhưng Viện kiểm sát chỉ có 15 ngày ( Điều 147 ) nghiên cứu hồ sơ là quá ngắn.
- Luật TTHC năm 2015 quy định việc Thẩm phán có quyền xem xét, thẩm định tại chỗ (Điều 88); định giá tài sản, thẩm định giá tài sản (Điều 91), nhưng không quy định Kiểm sát viên có quyền tham gia để kiểm sát các hoạt động này, đã gây khó khăn cho Viện kiểm sát trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ.
- Điều 3 Luật TCHC quy định khái niệm về Quyết định hành chính và hành vi hành chính. Tuy nhiên trong thực tiễn, còn có vướng mắc trong xác định đối tượng khởi kiện. Ví dụ : Các quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định cưỡng chế... nhưng người bị cưỡng chế lại không phải là người có tài sản bị cưỡng chế. Người khởi kiện chỉ khởi kiện hành vi cưỡng chế tài sản, không khởi kiện quyết định hành chính. Trong trường hợp này xác định đối tượng khởi kiện là quyết định hành chính hay hành vi cưỡng chế của cơ quan nhà nước. Có quan điểm cho rằng, đối tượng khởi kiện được xác định là hành vi hành chính. Nhưng cũng có quan điểm khác, trong trường hợp này đối tượng khởi kiện là quyết định hành chính chứ không phải là hành vi hành chính.
- Người khởi kiện yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ( Giấy CNQSDĐ) : Người khởi kiện yêu cầu hủy tất cả các Giấy CNQSDĐ, bao gồm Giấy CNQSDĐ đã được cấp đổi và Giấy CNQSDĐ hiện hành. Trong thực tiễn, có nhiều trường hợp, do sai sót của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nên Giấy CNQSDĐ cũ chưa được thu hồi, hủy bỏ, thậm chí còn dùng để thế chấp Ngân hàng. Trường hợp này có hay không việc chỉ hủy Giấy CNQSDĐ hiện hành hay phải hủy tất cả các Giấy CNQSDĐ đã được cấp đổi. Hiện nay đang có nhiều ý kiến trái chiều, việc áp dụng pháp luật của Tòa án ở nhiều địa phương khác nhau.
- Người khởi kiện yêu cầu huỷ các Giấy CNQSD đất khi đã được cơ quan có thẩm quyền (UBND các cấp) giải quyết bằng các quyết định giải quyết khiếu nại. Tại Toà án, người khởi kiện không yêu cầu huỷ đồng thời các quyết định giải quyết khiếu nại. Trường hợp Tòa án chấp nhận tuyên hủy các Giấy CNQSD đất thì trên thực tế, các quyết định giải quyết khiếu nại vẫn còn tồn tại, về mặt quản lý hành chính nhà nước và cơ quan quản lý nhà nước cho rằng các quyết định giải quyết khiếu nại là đúng pháp luật. Quá trình giải quyết, cấp sơ thẩm không hướng dẫn người khởi kiện để khởi kiện bổ sung để xem xét tính hợp pháp của các quyết định giải quyết khiếu nại. Vậy cấp phúc thẩm có quyền hủy các quyết định giải quyết khiếu nại đó không? Nếu hủy thì có làm mất quyền kháng cáo của người bị kiện không?
- Quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khởi kiện đều do người có thẩm quyền, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành. Trong khi đó, việc thực hiện công tác quản lý Nhà nước qua từng thời kỳ có những chủ trương, chính sách hay quy định pháp luật khác nhau, nhận thức pháp luật không thống nhất giữa các cơ quan tiền hành tố tụng, giữa Thẩm phán với Kiểm sát viên nên khó khăn trong giải quyết vụ án.
- Phần lớn các vụ án hành chính đều kéo dài thời gian giải quyết, một trong những nguyên nhân là do khó khăn trong thu thập chứng cứ. Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 15/11/2019 về việc tăng cường chấp hành pháp luật tố tụng hành chính, nhưng nhiều cơ quan hành chính nhà nước ( đối tượng bị khởi kiện) cung cấp chưa kịp thời, đầy đủ hồ sơ, tài liệu có liên quan đến quyết định hành chính hành vi hành chính bị khởi kiện theo đúng quy định.Vì vậy đã gây khó khăn cho cơ quan tiến hành tố tụng trong thu thập, đánh giá chứng cứ để giải quyết vụ án.
- Qua thực tiễn giải quyết án hành chính tại địa phương thời gian qua, thấy rằng các quyết định hành chính do các cơ quan quản lý nhà nước ban hành cơ bản đúng các quy định của pháp luật, tuy nhiên vẫn còn một số trường hợp, có sai sót trong việc chấp hành trình tự, thủ tục khi ban hành văn bản, thực hiện hành vi hành chính, là nguyên nhân dẫn đến quyết định, hành vi hành chính bị khiếu kiện. Ví dụ: Khi thu hồi đất phục vụ triển khai thực hiện các dự án, UBND không ban hành quyết định thu hồi đất riêng cho từng cá nhân, tổ chức bị thu hồi đất mà lại ban hành một quyết định thu hồi đất chung cho tất cả diện tích đất thu hồi để phục vụ dự án, đồng thời kèm theo danh sách chi tiết về diện tích đất của các tổ chức, cá nhân bị thu hồi. Việc làm này đã dẫn đến nhiều trường hợp cá nhân, tổ chức khởi kiện cho rằng UBND thu hồi đất để phục vụ dự án nhưng không ban hành quyết định thu hồi đất cá biệt. Hoặc trường hợp thu hồi đất phục vụ dự án nhưng không ra quyết định thu hồi đất; trường hợp ra quyết định thu hồi đất nhưng không ra văn bản hủy các Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp trước đó.
- Người bị kiện trong các vụ án hành chính là người đứng đầu cơ quan quản lý Nhà nước: Chủ tịch UBND, UBND các cấp, vì vậy đại diện theo pháp luật là Chủ tịch UBND ( hoặc người được ủy quyền là các Phó Chủ tịch) cấp huyện, cấp tỉnh. Thực tế các phiên tòa phải hoãn nhiều lần do người bị kiện xin hoãn vì lý do khách quan (giải quyết công việc phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương) hoặc có đơn xin xét xử vắng mặt. Việc vắng mặt của người bị kiện làm ảnh hưởng đến tranh tụng tại phiên tòa, có vụ phải tạm ngừng để thu thập bổ sung tài liệu, chứng cứ vì đại diện ủy quyền không thể quyết định được việc sửa đổi, hủy bỏ quyết định hành chính trong bồi thường thiệt hại, dẫn đến kéo dài thời gian giải quyết vụ án.
2. Nhận diện một số vi phạm của Tòa án và các cơ quan tham gia tố tụng :
* Đối với Tòa án :
- Do tính chất phức tạp của án hành chính, nên mặc dù đã nhận đơn khởi kiện của đương sự, nhưng có nhiều trường hợp Tòa án chậm thụ lý vụ án để giải quyết vụ án theo quy định tại Điều 121, 125 Luật TTHC.
- Vi phạm thời hạn chuẩn bị xét xử theo Điều 130 - Luật TTHC; vi phạm thời hạn hoãn phiên tòa theo quy định tại Điều 163 – Luật TTHC.
- Đánh giá chứng cứ không đầy đủ, toàn diện, không khách quan theo Điều 95 – Luật TTHC; Áp dụng căn cứ pháp luật để giải quyết vụ án không đầy đủ, chính xác.
- Trong thời gian tạm đình chỉ không thực hiện việc đôn đốc cơ quan, tổ chức khắc phục lý do Tạm đình chỉ để kịp thời đưa vụ án ra giải quyết, vi phạm khoản 4 Điều 142 - Luật TTHC.
- Chậm gửi các văn bản tố tụng cho Viện kiểm sát theo quy định của Luật TTHC, như : Thông báo thụ lý; các bản án, quyết định giải quyết vụ án theo khoản 3 điều 196 và khoản 1 Điều 244 Luật tố tụng hành chính.
* Đối với người tham gia tố tụng.
- Người bị kiện không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ các tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu để làm căn cứ giải quyết vụ án, có vụ phải tạm đình chỉ.
- Một số vụ án, việc chấp hành quy định tham gia phiên tòa của người bị kiện không nghiêm túc, vắng mặt không có lý do hoặc xin hoãn tòa nhiều lần, dẫn đến vụ án kéo dài thời hạn giải quyết.
- Người bị kiện ( là người đứng đầu) thường ủy quyền cho cấp phó tham gia tố tụng, có nhiều trường hợp cấp phó tiếp tục ủy quyền cho cán bộ dưới quyền tham gia tố tụng, đã gây ảnh hưởng lớn đến việc giải quyết vụ án.
3. Một số kinh nghiệm rút ra qua công tác kiểm sát giải quyết án hành chính.
Sau 5 năm thực hiện Luật tố tụng hành chính 2015, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Tĩnh rút ra một số kinh nghiệm sau :
3.1. Trong hoạt động nghiệp vụ.
- Để đảm bảo giải quyết vụ án có căn cứ, đúng pháp luật, khi tiến hành kiểm sát việc giải quyết vụ án, Kiểm sát viên cần phải nắm vững, nghiên cứu kỹ các quy định của Luật tố tụng hành chính và các luật nội dung như : Bộ luật Dân sự, Luật đất đai, Luật tổ chức chính quyền địa phương...
- Kiểm sát viên phải bám sát tiến độ thu thập tài liệu, để thực hiện quyền Yêu cầu bổ sung tài liệu khi thấy cần thiết; cần nghiên cứu kỹ hồ sơ, để xây dựng báo cáo đề xuất đường lối giải quyết vụ án đúng, chính xác; xây dựng đề cương xét hỏi và bài phát biểu trước phiên tòa một cách sắc bén, chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật.
- Chủ động phối hợp với Tòa án xây dựng Quy chế phối hợp liên ngành trong giải quyết các vụ án hành chính và kiểm sát giải quyết án hành chính, trong đó cần đưa vào Quy chế các quy định như : Khi gửi Thông báo thụ lý vụ án, Tòa án phải gửi kèm bản photo đơn khởi kiện và các tài liệu do đương sự giao nộp; Trong thời gian chuẩn bị xét xử, Kiểm sát viên và Thẩm phán phải thường xuyên trao đổi thông tin liên quan đến vụ án và Kiểm sát viên có quyền yêu cầu được tiếp cận, sao chụp các tài liệu đã thu thập được. Đây là những quy định, nhằm tạo thuận lợi để Kiểm sát viên nắm chắc nội dung, tiến độ thu thập tài liệu, chứng cứ để chủ động đưa ra đường lối giải quyết vụ án đúng đắn, chính xác nhất.
- Kịp thời ban hành văn bản yêu cầu chuyển hồ sơ vụ án khi phát hiện thấy bản án có dấu hiệu vi phạm để thực hiện quyền kháng nghị phúc thẩm hoặc báo cáo kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm.
3.2. Trong công tác chỉ đạo, điều hành :
Lãnh đạo đơn vị quan tâm chỉ đạo, trực tiếp nghe báo cáo đối với những vụ án phức tạp, dư luận quan tâm; bố trí sắp xếp cán bộ, kiểm sát viên có kỹ năng, kinh nghiệm, vừa đảm bảo tính ổn định vừa có tính kế thừa, góp phàn thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm, đột phá của toàn ngành.
3.3. Trong công tác phối hợp liên ngành :
- Qua thực tiễn giải quyết các vụ án hành chính thấy, ngoài việc nghiên cứu tài liệu, chứng cứ, còn đòi hỏi có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa Kiểm sát viên và thẩm phán từ trao đổi, thống nhất trong phân tích, đánh giá chứng cứ, thu thập bổ sung chứng cứ, đặc biệt là quan điểm giải quyết nhằm đảm bảo cho việc giải quyết vụ án có căn cứ, đúng pháp luật, từ đó nâng cao hiệu quả công tác kiểm sát, tạo niềm tin cho nhân dân.
- Việc chủ động phối hợp với Tòa án để tạo mọi điều kiện khuyến khích, đối thoại giữa các đương sự cũng góp phần giải quyết vụ án “ thấu tình, đạt lý”, quyền lợi các bên được đảm bảo, giải quyết thảo đáng, tránh bức xúc kéo dài trong nhân dân.
Trên đây là một số khó khăn vướng mắc và kinh nghiệm thực tiễn được rút ra qua 5 năm thực hiện Luật tố tụng hành chính 2015, giới thiệu đến bạn đọc và cán bộ công chức trong ngành Kiểm sát Hà Tĩnh tham khảo./.
Phòng 9