Trong thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh việc thực hiện đầu tư các dự án kinh tế trọng điểm, xây dựng các công trình nông thôn mới diễn ra nhiều, nhưng do làm tốt công tác công tác đền bù giải phóng mặt bằng nên tình hình tranh chấp trong các lĩnh vực hành chính liên quan đến đất đai có giảm. Tranh chấp chủ yếu xẩy ra trong lĩnh vực thu hồi đất, khởi kiện các quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và hành vi hành chính của cơ quan chính quyền các cấp trong công tác quản lý nhà nước về đất đai... Các dạng vi phạm chủ yếu là không ra quyết định thu hồi đất hoặc ban hành quyết định thu hồi đất, nhưng không ra văn bản hủy các Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp trước đó; Ban hành quyết định chuyển nhượng quyền sử dụng đất nhưng không thông báo cho người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan về thừa kế đối với thửa đất; Thực hiện trình tự, thủ tục ban hành các quyết định cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không đúng; Trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, cơ quan, người đứng đầu cơ quan quản lý Nhà nước ban hành văn bản giải quyết khiếu nại, nhưng không ban hành quyết định giải quyết khiếu nại...
Quá trình kiểm sát giải quyết các vụ án hành chính liên quan đến quản lý nhà nước về đất đai, thấy rằng còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như sau:
1. Việc thi hành Luật Đất đai 2013: Trong quá trình giải quyết tranh chấp đất đai liên quan đến quyết định hành chính của UBND, sau khi hòa giải thành, UBND cấp có thẩm quyền ra quyết định nhưng quyết định không thực hiện được vì có sai sót.
Luật Đất đai năm 2013 chưa quy định cụ thể căn cứ pháp lý trong trường hợp hủy bỏ quyết định giải quyết tranh chấp đất đai, nên các cơ quan tố tụng gặp khó khăn, vướng mắc trong việc thụ lý giải quyết vụ án ( điều 106- Luất đất đai chỉ quy định việc đính chính, thu hồi giấy CNQSD đất)
2. Về lý do quyết định hành chính ở địa phương bị khởi kiện: Do cơ quan Nhà nước có sai sót trong việc chấp hành trình tự, thủ tục khi ban hành văn bản, thực hiện hành vi hành chính, dẫn đến quyết định, hành vi hành chính bị khiếu kiện nhiều, ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn, gây dư luận không tốt trong nhân dân.
Ví dụ: khi thu hồi đất phục vụ triển khai thực hiện các dự án, UBND không ban hành quyết định thu hồi đất riêng cho từng cá nhân, tổ chức bị thu hồi đất mà lại ban hành một quyết định thu hồi đất chung cho tất cả diện tích đất thu hồi để phục vụ dự án, đồng thời kèm theo danh sách chi tiết về diện tích đất của các tổ chức, cá nhân bị thu hồi. Việc làm này đã dẫn đến nhiều trường hợp cá nhân, tổ chức khởi kiện cho rằng UBND thu hồi đất để phục vụ dự án nhưng không ban hành quyết định thu hồi đất cá biệt là không đúng quy định của pháp luật. Hoặc trường hợp thu hồi đất phục vụ dự án nhưng không ban hành quyết định thu hồi đất; ban hành quyết định thu hồi đất nhưng không ra ban hành quyết định hủy các Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp trước đó.
3.Về xác định đối tượng khởi kiện vụ án hành chính: Trong vụ án khởi kiện yêu cầu huỷ quyết định hành chính, người khởi kiện yêu cầu huỷ các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bao gồm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp ban đầu và các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp mới ( do thay đổi quy định của pháp luật ).
Vấn đề đặt ra cho các cơ quan tố tụng là, phải hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nào ? (mới hay cũ). Hiện nay, chưa có quy định cụ thể nào về việc thu hồi, thay thế giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũ, bằng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới. Thực tế cho thấy, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được thế chấp, cầm cố để vay tiền rất nhiều ( giữa giấy tờ cũ, mới khó phân biệt).
4. Về việc người bị kiện vắng mặt tại phiên tòa : Người bị kiện trong các vụ án hành chính là người đứng đầu cơ quan quản lý Nhà nước, bao gồm: Chủ tịch UBND; UBND các cấp ( tỉnh, huyện ). Tuy nhiên, do nhiều điều kiện khách quan và chủ quan khác nhau, người bị kiện đã làm đơn xin hoãn phiên tòa nhiều lần, dẫn đến kéo dài thời gian giải quyết, gây khó khăn cho cơ quan tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án.
Theo quy định tại Điều 158 Luật tố tụng hành chính, trường hợp đương sự vắng mặt ( có lý do) thì Tòa án mở phiên tòa xét xử vụ án. Việc người bị kiện vắng mặt tại phiên tòa đã gây khó khăn trong hoạt động xét xử. Bởi vì, Hội đồng xét xử trong nhiều trường hợp không đủ điều kiện làm rõ các nội dung liên quan đến việc khởi kiện; không đối thoại để thỏa thuận được với người khởi kiện và trong trường hợp người khởi kiện rút đơn khởi kiện thì phải được sự đồng ý của người bị kiện...
Hải Yến- P hòng 9