Một số giải pháp nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa hình sự.
09:48 18/05/2021

Tranh tụng là một trong những hoạt động trọng tâm của phiên tòa xét xử, có ý nghĩa quan trọng trong tố tụng hình sự. Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định tranh tụng là một nguyên tắc cơ bản, độc lập (Điều 26) . Xuất phát từ thực tiễn công tác Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự trong thời gian qua, tác giả xin đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa như sau:

Một là, nâng cao nhận thức, trình độ, năng lực nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm của Kiểm sát viên. Kiểm sát viên phải thường xuyên tự học, tự nghiên cứu để nâng cao trình độ nghiệp vụ và kiến thức về mọi mặt, tích lũy kinh nghiệm thực tiễn, rèn luyện tác phong, phương pháp, kỹ năng tranh tụng. Mỗi Kiểm sát viên cần có sự chuyển biến thực chất về nhận thức, xác định rõ tranh tụng tại phiên tòa không chỉ là quyền mà còn là nghĩa vụ.

Hai là, phải nâng cao chất lượng công tác THQCT, Kiểm sát điều tra vụ án hình sự. Mặc dù Tòa án chỉ căn cứ vào kết quả xét hỏi công khai tại phiên tòa, song các chứng cứ thu thập được ở giai đoạn điều tra đầy đủ sẽ là điều kiện thuận lợi cho Kiểm sát viên THQCT tại phiên tòa. Vì vậy, muốn nâng cao chất lượng xét hỏi, luận tội và đối đáp tranh luận đòi hỏi các Kiểm sát viên phải nâng cao chất lượng THQCT và Kiểm sát điều tra các vụ án hình sự. Chất lượng điều tra vụ án càng tốt thì hiệu quả công tác THQCT tại phiên tòa của Kiểm sát viên sẽ đạt càng cao.

Ba là, cần quan tâm bố trí những Kiểm sát viên có năng lực thật sự vào khâu THQCT tại phiên tòa. Hoạt động THQCT tại phiên tòa đòi hỏi Kiểm sát viên phải sắc sảo trong xét hỏi, luận tội và đối đáp tranh luận. Do vậy, Kiểm sát viên phải có hiểu biết không chỉ về chuyên môn, nghiệp vụ, mà kể cả về kiến thức xã hội lẫn khả năng hùng biện mới có thể thực hiện nhiệm vụ một cách có hiệu quả tại phiên tòa. Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao, bản lĩnh chính trị vững vàng, khả năng viết, nói là những yếu tố hội tụ bắt buộc ở Kiểm sát viên THQCT tại phiên tòa. Để có được đội ngũ Kiểm sát viên hội tủ đủ các yếu tố cần thiết nêu trên, phải có sự điều chỉnh mạnh mẽ, tích cực trong công tác tổ chức cán bộ.

Bốn là, tăng cường tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm theo yêu cầu cải cách tư pháp trong đó chú trọng một số phiên tòa mẫu để rút kinh nghiệm nhằm nâng cao năng lực thực tiễn cho đội ngũ Kiểm sát viên.

Năm là , tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành đối với lĩnh vực công tác này, cụ thể là: Lãnh đạo các cấp thường xuyên tham dự, theo dõi các phiên tòa để có những nhận xét, đánh giá rút kinh nghiệm đối với việc xét hỏi, luận tội và đối đáp tranh luận của Kiểm sát viên, qua đó tổng kết rút kinh nghiệm để giúp Kiểm sát viên nâng cao kỹ năng nghiệp vụ.

Sáu là, tăng cường mối quan phối hợp giữa VKS với các cơ quan tiến hành tố tụng để đảm bảo việc giải quyết các vụ án hình sự kịp thời, đúng quy định pháp luật. Các Kiểm sát viên cần có cái nhìn tích cực hơn về hoạt động luật sư, xem luật sư là thành tố không thể thiếu trong hoạt động tố tụng, tạo mối quan hệ bình đẳng, tôn trọng và hỗ trợ nhau để việc giải quyết vụ án đảm bảo tính khách quan.

Xác định đúng mục đích, ý nghĩa của hoạt động tranh tụng không chỉ giúp Kiểm sát viên mà cả những người tham gia tố tụng luôn luôn có tinh thần tôn trọng sự thật, khách quan khi đưa ra ý kiến của mình cũng như khi tranh luận lại các ý kiến đó; tranh tụng tốt sẽ nâng cao vị thế của Kiểm sát viên tại phiên tòa và góp phần nâng cao uy tín của Viện KSND; đáp ứng được yêu cầu cải cách tư pháp trong giai đoạn hiện nay./.

Phan Thanh Hoa

    Ý kiến bạn đọc


    ĐĂNG NHẬP