Quá trình kiểm sát hoạt động thi hành án dân sự, thi hành án hành chính (THADS, THAHC) của cơ quan Thi hành án dân sự và các cơ quan, tổ chức liên quan, tùy thuộc vào tính chất, mức độ vi phạm pháp luật phát hiện được mà Viện kiểm sát thực hiện quyền năng pháp lý là kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền khắc phục, phòng ngừa vi phạm pháp luật, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, bảo vệ lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân và đảm bảo tính thượng tôn của pháp luật. Tuy nhiên, để kháng nghị, kiến nghị và yêu cầu của Viện kiểm sát được các cơ quan liên quan tiếp thu, chấp hành nghiêm chỉnh, đòi hỏi nội dung, chất lượng kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu ngày càng phải được nâng lên, các vi phạm pháp luật phát hiện được phải đảm bảo tính chính xác, viện dẫn đầy đủ căn cứ pháp lý.
Để thực hiện hiệu quả các quyền năng pháp lý nêu trên, bản thân xin đưa ra các giải pháp, như sau:
- Thứ nhất , trong công tác kiểm sát hoạt động tư pháp nói chung, công tác kiểm sát việc thi hành án dân sự, thi hành án hành chính nói riêng, Lãnh đạo viện cần phải ưu tiên bố trí, phân công cán bộ, Kiểm sát viên trong đơn vị thực hiện nhiệm vụ ngay từ đầu năm công tác, hạn chế việc chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, Kiểm sát viên trong năm công tác để đảm bảo tính ổn định trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nhất là việc tích lũy vi phạm của cơ quan Thi hành án dân sự và các cơ quan liên quan trong hoạt động THADS, THAHC, làm cơ sở tổng hợp xây dựng kiến nghị.
- Thứ hai, nâng cao kỹ năng phát hiện vi phạm, thiếu sót của các cơ quan liên quan trong công tác THADS, THAHC. Bởi vì chất lượng của bản kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu trong công tác kiểm sát việc THADS, THAHC, điều đầu tiên thể hiện ở các vi phạm phát hiện trong hoạt động kiểm sát thường xuyên. Do đó, quá trình thực hiện nhiệm vụ đòi hỏi cán bộ, Kiểm sát viên cũng như Lãnh đạo viện phải tập trung phát hiện vi phạm trong hoạt động THADS, THAHC của cơ quan Tòa án, Chi cục Thi hành án dân sự và các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan; đồng thời định hướng cho cán bộ, Kiểm sát viện nhận diện các vi phạm thường gặp đối với từng nội dung, lĩnh vực cụ thể khi thực hiện hoạt động nghiệp vụ, như:
+ Vi phạm trong hoạt động lập sổ sách, hồ sơ thi hành án, thường xảy ra các vi phạm, như không mở đầy đủ sổ sách nghiệp vụ hoặc mở sổ sách nhưng không ghi đầy đủ thông tin trong từng cột mục của sổ theo quy định. Đối với vi phạm trong việc lập hồ sơ thi hành án thường thể hiện ở các tập tài liệu sắp xếp không đúng quy định, không theo thứ tự thời gian; không thực hiện đánh số và đóng dấu bút lục hồ sơ; không lên danh mục tài liệu có trong hồ sơ theo quy định; hồ sơ kết thúc thi hành án nhưng không có giấy xác nhận, quyết định của Chi cục THADS.
Đối với các loại vi phạm trên, thường được phát hiện qua hoạt động kiểm sát trực tiếp tại cơ quan Thi hành án dân sự, hoặc thông qua hoạt động yêu cầu cung cấp hồ sơ để kiểm sát. Do vậy, trước khi thực hiện kiểm sát trực tiếp tại cơ quan Thi hành án dân sự, Lãnh đạo viện phụ trách cần phải định hướng nhận dạng vi phạm, căn cứ pháp lý xác định vi phạm cho cán bộ, Kiểm sát viên khi được phân công thực hiện nhiệm vụ, nhằm chủ động thực hiện nhiệm vụ, đồng thời phát hiện vi phạm nhanh nhất, bảo đảm cho kết luận, kiến nghị đạt chất lượng cao hơn.
+ Vi phạm trong việc ra các quyết định về thi hành án, thường xảy ra các vi phạm, như: Viện dẫn điều luật làm căn cứ không chính xác; nội dung quyết định không đúng với bản án, quyết định của Tòa án (có thể là thừa, thiếu, sai các khoản thi hành trong bản án, quyết định của Tòa án đã tuyên); ghi sai tên đệm, họ tên của đương sự; ghi căn cứ hoãn chưa đúng quy định; chậm ra quyết định tiếp tục thi hành án, quyết định ủy thác thi hành án; quyết định ban hành không đúng mẫu quy định; gửi quyết định chậm thời gian quy định...
Các vi phạm này, thường được phát hiện thông qua hoạt động kiểm sát thường xuyên của cán bộ, Kiểm sát viên khi tiếp nhận các quyết định thi hành án do cơ quan Thi hành án gửi cho Viện kiểm sát. Tuy nhiên, để hoạt động kiểm sát này được chặt chẽ, kịp thời, bản thân đã xây dựng mẫu Phiếu kiểm sát các quyết định thi hành án làm căn cứ cho cán bộ, Kiểm sát viên thực hiện kiểm sát, cũng như nhận diện các vi phạm được nhanh hơn, chính xác hơn, bảo đảm việc thực hiện các quyền năng về kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu được kịp thời.
+ Vi phạm trong việc xác minh điều kiện thi hành án, thường xảy ra các vi phạm, như: Chậm xác minh điều kiện thi hành án; biên bản xác minh điều kiện thi hành án không đảm bảo yêu cầu (mâu thuẫn nội dung xác minh, không đầy đủ thành phần ký trong biên bản, hình thức biên bản không đúng mẫu quy định...); thành phần tiến hành xác minh không đúng quy định (không có Chấp hành viên chủ trì); kết luận về tài sản của người phải thi hành án không đúng thực tế...
Để phát hiện các vi phạm trên, khi kiểm sát các hồ sơ thi hành án thông qua hình thức trực tiếp kiểm sát, hoặc qua kiểm sát định kỳ thì cán bộ, Kiểm sát viên cần phải chú ý đến thời hạn xác minh việc thi hành án, nội dung biên bản xác minh và các thành phần ký trong biên bản để phát hiện được các vi phạm nói trên. Trường hợp nghi vấn về kết quả xác minh điều kiện thi hành án, thì cán bộ, Kiểm sát viên kịp thời báo cáo hoặc Lãnh đạo viện phụ trách để chỉ đạo, phân công cán bộ, Kiểm sát viên thực hiện xác minh ngay điều kiện thi hành án đối với việc nghi vấn về kết quả xác minh điều kiện thi hành án trước đó, nhằm kịp thời phát hiện vi phạm trong hoạt động này làm căn cứ ban hành yêu cầu hoặc kiến nghị vi phạm.
+ Vi phạm về thực hiện xử lý vật chứng, tài sản trong thi hành án, thường xảy ra các vi phạm, như: Thành lập Hội động tiêu hủy vật chứng không đảm bảo quy định; chậm xử lý vật chứng, tài sản (vật chứng thuộc diện tiêu hủy nhưng chậm ra quyết định tiêu hủy, vật chứng thuộc diện tịch thu sung công nhưng chậm chuyển giao cho cơ quan tài chính (Phòng tài chính); bảo quản vật chứng tại kho cơ quan Thi hành án không đúng quy định...
Đối với dạng vi phạm này, cán bộ, Kiểm sát viên cần phải kết hợp với việc kiểm sát thành phần hội đồng tiêu hủy vật chứng thông qua kiểm sát Quyết định thành lập hội đồng tiêu hủy vật chứng với thành phần hội đồng khi thực hiện tiến hành tiêu hủy vật chứng, nhằm bảo đảm hội đồng được thành lập và thực hiện theo đúng quy định. Bên cạnh đó, khi tiến hành kiểm sát việc tiêu hủy vật chứng cần chú ý số lượng, chủng loại và tình trạng vật chứng khi được đưa ra xử lý, nhất là đối với những vật chứng có niêm phong, kết luận của cơ quan chuyên môn để phát hiện được các vi phạm của cơ quan Thi hành án trong quá trình bảo quản vật chứng, khi tiến hành xử lý vật chứng.
- Thứ ba , áp dụng chính xác, hiệu quả các quyền năng pháp lý để loại trừ vi phạm.
Để thực hiện các quyền năng pháp lý của Ngành quy định tại Điều 12 Luật Thi hành án dân sự được chính xác, hiệu quả, thể hiện được vị trí, vai trò của Viện kiểm sát trong hoạt động kiểm sát việc THADS, THAHC nói riêng, thì việc quan trọng đầu tiên là nhận dạng chính xác các loại vi phạm đối với từng lĩnh vực cụ thể khi thực hiện kiểm sát việc THADS, THAHC, từ đó áp dụng chính xác các biện pháp pháp lý loại trừ vi phạm theo luật định.
Do đó, đòi hỏi cán bộ, Kiểm sát viên phải nắm chắc các vi phạm phát hiện được thông qua hoạt động kiểm sát. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm Lãnh đạo viện phụ trách công tác bằng hoạt động trực tiếp kiểm tra các hồ sơ, hoạt động THADS, THAHC của các cơ quan, cá nhân để xảy ra vi phạm, cũng như thực hiện việc đối chiếu các vi phạm với các căn cứ pháp lý, như các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Thi hành án dân sự, Thông tư liên tịch, Nghị định... Để xác định có vi phạm xảy ra hay không, vi phạm xảy ra ở mức độ nào, nghiêm trọng hay ít nghiệm trọng; vi phạm đó mang tính hệ thống hay độc lập, vi phạm đó thuộc về hoạt động trực tiếp thi hành án hay hoạt động chỉ đạo, lãnh đạo... Từ đó, phân loại các dạng, nhóm vi phạm để phân tích, đánh giá… tránh dẫn chiếu các vi phạm mang tính chung chung, thiếu thuyết phục. Sau khi kiểm tra, đánh giá kỹ các vi phạm thì chỉ đạo cán bộ, Kiểm sát viên xây dựng hoặc Lãnh đạo viện trực tiếp xây dựng kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu trên cơ sơ mức độ vi phạm phát hiện được.
Nguyễn Thế Hoàng