Sau 8 năm thi hành Luật giám định tư pháp năm 2012, công tác giám định tư pháp đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, trước những yêu cầu của hoạt động đấu tranh phòng chống tội phạm, Luật giám định tư pháp năm 2012 đã bộc lộ nhiều bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn. Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác giám định tư pháp, đáp ứng yêu cầu đấu tranh, phòng, chống tội phạm trong tình hình mới, ngày 10/6/2020, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giám định tư pháp (Luật giám định tư pháp năm 2020). Có nhiều nội dung được sửa đổi như: Mở rộng phạm vi giám định tư pháp theo hướng giám định tư pháp được trưng cầu, thực hiện ngay từ giai đoạn “khởi tố”, thay vì từ giai đoạn điều tra vụ án hình sự như quy định hiện hành; về quyền và nghĩa vụ của tổ chức được trưng cầu, thực hiện giám định tư pháp; về trưng cầu giám định tư pháp và thời hạn giám định tư pháp...
Đối với Viện kiểm sát nhân dân, Luật Giám định tư pháp 2020 bổ sung một số quy định sau :
- Sửa đổi khoản 4 và khoản 5 Điều 12, quy định Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao là tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự; Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao có chức năng thực hiện giám định âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử.
- Sửa đổi bổ sung khoản 2 Điều 9, quy định Giám định viên kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao do Bộ trưởng Bộ Công an bổ nhiệm theo đề nghị của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
- Sửa đổi, bổ sung khoản 7 Điều 12, quy định Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn.
Có thể nói, với việc bổ sung quy định “Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao” trong hệ thống tổ chức giám định kỹ thuật hình sự, xem đây là tổ chức giám định tư pháp công lập mới có tính chất đặc thù bên cạnh hệ thống tổ chức giám định kỹ thuật hình sự hiện hành, Luật Giám định tư pháp năm 2020 đã phần nào đáp ứng yêu cầu thực tiễn hoạt động kiểm sát và góp phần bảo đảm đáp ứng kịp thời nhu cầu giám định về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử thu thập được trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử ngày càng tăng. Nhất là trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển mạnh như hiện nay, các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng sẽ thực hiện ghi âm, ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can trên toàn quốc.
Ngoài ra, để bảo đảm phát huy vai trò, trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân tối cao đối với công tác giám định tư pháp, Luật giám định tư pháp năm 2020 còn quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân tối cao đối với công tác giám định tư pháp; trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân tối cao đối với công tác giám định tư pháp trong việc ban hành chỉ tiêu thống kê và tổ chức thực hiện thống kê về trưng cầu về giám định tư pháp trong hệ thống của mình và báo cáo Quốc hội trong báo cáo công tác hằng năm, đồng thời gửi báo cáo về Bộ Tư pháp, bộ, ngành có liên quan ở Trung ương và Sở Tư pháp, sở, ngành có liên quan ở địa phương; Lập dự toán và đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp kinh phí bảo đảm chi trả kịp thời, đầy đủ chi phí giám định tư pháp, chi phí tham dự phiên tòa của người giám định trong hệ thống Viện kiểm sát (Điều 44).
Luật giám định tư pháp năm 2020 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2021. Nhằm bảo đảm triển khai thực hiện có hiệu quả, ngay từ khi Luật giám định tư pháp năm 2020 có hiệu lực thi hành, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức phổ biến, quán triệt về nội dung của Luật, tạo nhận thức đầy đủ, thống nhất đối với cán bộ, Kiểm sát viên Viện kiểm sát hai cấp …./.
Quỳnh Trang