Một số đề xuất, kiến nghị nâng cao hiệu quả công tác kiểm sát thuộc lịnh vực quản lý đất đai
15:12 10/09/2015
Có thể nói rằng, cùng với những biến đổi sâu sắc của nền kinh tế - xã hội, trong những năm gần đây, tình hình khiếu kiện hành chính hiện nay không chỉ diễn biến phức tạp hơn về nội dung, tính chất mà còn tăng lên đáng kể về mặt số lượng.

Từ khi Luật TTHC có hiệu lực thi hành, do thẩm quyền xét xử các vụ án hành chính của TAND được mở rộng; Trình độ nhận thức, hiểu biết của người dân về pháp luật nói chung, đặc biệt là về pháp luật tố tụng hành chính được nâng cao đáng kể; Thủ tục giải quyết các khiếu kiện hành chính từng bước được cải cách theo hướng gọn nhẹ; Sự phát triển mạnh mẽ của các dịch vụ tư vấn pháp lý vv… đã tác động không nhỏ đến sự lựa chọn con đường giải quyết các khiếu kiện hành chính bằng con đường TAND đã trở nên phổ biến và ngày càng gia tăng nhanh chóng ở tất cả các tỉnh trên địa bàn cả nước, nhất là các tỉnh có tốc độ đo thị hóa nhanh như Đồng Nai, Bình Dương, Hải Dương, Thanh Hóa…

Qua hoạt động nghiên cứu đối với tỉnh Đồng Nai, những năm gần đây, chúng tôi nhận thấy, cùng với sự phát triển của nền kinh tế - xã hội, tình hình tội phạm và các vi phạm pháp luật khác, đặc biệt là các khiếu kiện hành chính đang có những diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng năm sau cao hơn năm trước ở hầu hết các huyện, thị trong tỉnh với quy mô khiếu kiện từ cá nhân đến tập thể đông người và được tiến hành có tổ chức, có bộ phận điều hành, chỉ đạo công khai hoặc đứng đằng sau. Theo báo cáo tổng kết hàng năm của ngành thanh tra, số vụ việc, nội dung đối tượng khiếu kiện ngày càng nhiều, tính chất gay gắt, quyết liệt, kéo theo sự tham gia của nhiều tầng lớp dân cư trong xã hội mà tập trung là các khiếu kiện về thu hồi đất, giải tỏa, bồi thường và chính sách tái định cư sau thu hồi đất; Trong lĩnh vực kinh doanh thương mại, tranh chấp tập trung trong lĩnh vực vay vốn tín dụng ngân hàng, trong lĩnh vực lao động nổi lên là vấn đề tranh chấp liên quan đến vấn đề sa thải người lao động trái pháp luật, chế độ tiền lương, phụ cấp thôi việc…có nhiều vụ việc kéo dài hành chục năm, qua nhiều cấp giải quyết, đã có sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Nhiều vụ khiếu kiện đông người, khiếu kiện vượt vấp lên các cơ quan Trung ương mà nội dung chủ yếu liên quan đến lĩnh vực đất đai, vấn đề đền bù, giải phóng mặt bằng do thu hồi đất để phục vụ các mục đích phát triển kinh tế - xã hội. Theo số liệu trong hoạt động kiểm sát việc thụ lý các vụ án hành chính trong những năm gần đây của TAND hai cấp ở tỉnh Đồng Nai cho thấy những biến động như sau:

- Năm 2009 Tòa án hai cấp đã thụ lý 35 vụ án hành chính sơ thẩm (Trong đó TA cấp tỉnh thụ lý 01 vụ, TA cấp huyện thụ lý 34 vụ) ;

- Năm 2010 TAND thụ lý 74 vụ án hành chính sơ thẩm (Trong đó TA cấp tỉnh thụ lý 5 vụ, TA cấp huyện thụ lý 69 vụ) , tăng 39 vụ so với năm 2009;

- Năm 2011 TAND thụ lý 360 vụ án hành chính sơ thẩm (Trong đó TA cấp tỉnh thụ lý 47 vụ, TA cấp huyện thụ lý 313 vụ) , tăng 286 vụ so với năm 2010;

- Năm 2012 TAND thụ lý 300 vụ án hành chính sơ thẩm (Trong đó TA cấp tỉnh thụ lý 41 vụ, TA cấp huyện thụ lý 259 vụ) , giảm 60 vụ so với năm 2011;

- Năm 2013 TAND thụ lý 315 vụ án hành chính sơ thẩm, tăng 15 vụ so với năm 2012; trong đó, có 264 vụ liên quan đến hoạt động quản lý đất đai chiếm 83,80% tổng số vụ án hành chính mà Tòa án đã thụ lý trong năm.

Cùng với những nỗ lực của Ngành Tòa án trong xét xử các vụ án hành chính liên quan đến lĩnh vực quản lý đất đai, hoạt động kiểm sát việc giải quyết các VAHC của Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) các cấp chính là công tác thực hiện chức năng của VKSND, nhằm kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các chủ thể tiến hành và tham gia tố tụng hành chính được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất. Hoạt động này có ý nghĩa hết sức quan trọng và cần thiết, góp phần đảm bảo cho hoạt động xét xử của Tòa án (TA) mang tính khách quan, đảm bảo pháp chế và tính công bằng, dân chủ, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia quan hệ pháp luật tố tụng hành chính (TTHC) thuộc lĩnh vực quản lý đất đai. Tuy nhiên, hoạt động kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính (VAHC) thuộc lĩnh vực quản lý đất đai của VKSND nói chung đặc biệt là VKSND cấp huyện nói riêng trong thời gian gần đây đã bộc lộ những hạn chế nhất định như: Chất lượng tham gia tranh tụng của Kiểm sát viên (KSV) với vai trò là chủ thể trực tiếp "giám sát" quá trình giải quyết VAHC; Hiệu quả áp dụng pháp luật (ADPL) của VKSND trong quá trình kiểm sát việc giải quyết VAHC; Chất lượng kháng nghị các bản án, quyết định của TA cấp huyện khi giải quyết VAHC thuộc lĩnh vực quản lý đất đai; Tính độc lập xét xử của Thẩm phán và KSV viên trong quá trình xét xử VAHC vv… . Trong phạm vi của nội dung nghiên cứu, tác giả chỉ đề cập đến một số đề xuất, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả công tác kiểm sát việc giải quyết các VAHC liên quan đến lĩnh vực quản lý đất đai của VKSND cấp huyện giai đoạn hiện nay, cụ thể như sau:

1. Kiểm sát viên cần xác định rõ đối tượng, phạm vi của hoạt động kiểm sát việc giải quyết các VAHC thuộc lĩnh vực quản lý đất đai của Viện kiểm sát nhân dân.

a. Về đối tượng kiểm sát

Đối tượng của hoạt động kiểm sát việc giải quyết các VAHC thuộc lĩnh vực đất đai của VKSND trong TTHC là sự tuân thủ pháp luật trong hoạt động xét xử của các cơ quan tiến hành TTHC gồm: TAND; những người tiến hành TTHC gồm: Chánh án TAND, thẩm phán, hội thẩm nhân dân, thư ký Toà án và những người tham gia tố tụng hành chính gồm: Đương sự, người đại diện của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người làm chứng, người giám định, người phiên dịch, còn đối tượng của kiểm sát xét xử phúc thẩm chính là sự tuân theo pháp luật của TAND cấp phúc thẩm và những người tham gia tố tụng theo quy định tại Điều 47 Bộ luật TTHC.

b. Phạm vi hoạt động của VKS bắt đầu từ giai đoạn TA thụ lý đơn khởi kiện và kết thúc ở giai đoạn TA đưa ra phán quyết giải quyết tranh chấp bằng một bản án, quyết định có hiệu lực thi hành mà các cơ quan có thẩm quyền không kháng nghị. Khoản 2, Điều 23 Luật TTHC năm 2010 quy định: " VKSND kiểm sát các vụ án hành chính từ khi thụ lý đến khi kết thúc việc giải quyết vụ án; tham gia các phiên toà, phiên họp của TAND; kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong công tác thi hành bản án, quyết định của TAND; thực hiện các quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị theo quy định của pháp luật. Như vậy, theo quy định của pháp luật tố tụng hành chính (TTHC) thì việc giải quyết các VAHC của VKSND bắt đầu từ khi TAND tiến hành thủ tục thụ lý vụ án cho đến khi kết thúc việc giải quyết vụ án.

2. Kiểm sát viên cần làm rõ các vấn đề về áp dụng pháp luật trong quá trình kiểm sát VAHC liên quan đến lĩnh vực quản lý đất đai.

Trong quá trình kiểm sát việc giải quyết các VAHC, KSV cần xem xét một số vấn đề sau:

- Lý do cơ quan hành chính nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước ban hành quyết định hành chính (QĐHC) hoặc thực hiện hành vi hành chính  đang bị khởi kiện;

- Quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khởi kiện gây thiệt hại gì cho người khởi kiện;

- Các văn bản pháp luật nội dung điều chỉnh quan hệ pháp luật đang có tranh chấp là những văn bản nào…

- Xác định rõ yêu cầu khởi kiện có được chấp nhận hay không. Nếu được chấp nhận một phần thì phần đó gồm những vấn đề gì?.

- Cần đánh giá chứng cứ, xác định sự thật khách quan của yêu cầu khởi kiện trên cơ sở đối chiếu, phân tích các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ, nghiên cứu kỹ quan điểm của các chủ thể tham gia tố tụng (thông qua bản trình bày quan điểm của họ và kết quả lấy lời khai của các đương sự do Toà án lập) để từ đó làm rõ sự thật khách quan của quan hệ đang có tranh chấp, cũng như những mâu thuẫn trong các lời trình bày, lời khai của các đương sự. Từ đó đề xuất quan điểm trên cơ sở các căn cứ pháp lý được áp dụng để bảo vệ hoặc bác bỏ các tài liệu cũng như yêu cầu sai trái của các đương sự.

3. Thực hiện tốt một số yêu cầu nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả tranh tụng của Kiểm sát viên cấp huyện khi họ thực hiện nhiệm vụ kiểm sát việc giải quyết các VAHC liên quan đến lĩnh vực quản lý đất đai.

Theo quy định của Pháp luật, TA cấp huyện cũng có chức năng xét xử những tranh chấp hành chính, trong đó có cả những tranh chấp liên quan đến lĩnh vực quản lý đất đai. Theo đó, VKS cấp huyện cũng phải tiến hành hoạt động kiểm sát việc giải quyết các vụ án này của TA cấp huyện theo quy định của Pháp luật. Tuy nhiên, theo sự phân cấp, ở VKS cấp huyện lại không cơ cấu đơn vị (tổ hoặc đội) chuyên xử lý các vụ án hành chính mà hầu hết các VKS cấp huyện đều phân công kiểm sát viên (thường là KSV thuộc lĩnh vực dân sự) phụ trách kiểm sát luôn cả những VAHC, dẫn đến hiệu quả thực hiện khâu công tác nghiệp vụ này ở VKS cấp huyện chưa cao. Để giải quyết vấn đề này, theo chúng tôi VKS các cấp cần làm tốt các nội dung sau đây:

Một là: Tăng cường hơn nữa về số lượng KSV làm công tác kiểm sát việc giải quyết các VAHC ở VKS cấp huyện, bởi vì: Sự thiếu hụt lực lượng kiểm sát viên nói chung và kiểm sát viên làm nhiệm vụ kiểm sát giải quyết các VAHC nói riêng là do số lượng án hành chính tăng nhanh ở nhiều địa phương, trong khi đó việc đào tạo được một KSV đủ năng lực, trình độ để có thể đảm nhiệm được loại án này là hết sức khó khăn, đặc biệt là ở các huyện vùng sâu, vùng xa thuộc các tỉnh Phía Nam.

Hai là: Nâng cao trình độ, bản lĩnh chính trị, năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ KSV làm công tác kiểm sát giải quyết các VAHC liên quan đến lĩnh vực quản lý đất đai. Bản thân từng đồng chí KSV phải nắm vững những chủ trương, nghị quyết của Đảng, các chính sách của Nhà nước trong quản lý Nhà nước về đất đai qua các thời kỳ cách mạng được quy định trong các văn bản pháp luật về quản lý đất đai và một số văn bản pháp lý có liên quan để vận dụng sát, đúng.

Ba là: Đội ngũ KSV trực tiếp thực hiện khâu nghiệp vụ này cần  dành nhiều thời gian để nghiên cứu hồ sơ, thu thập chứng cứ, tài liệu, các văn bản pháp luật về quản lý đất đai và các văn bản pháp lý liên quan để áp dụng một cách chính xác, đúng pháp luật; tránh tình trạng KSV đối phó với nhiệm vụ được giao cho xong việc; chất lượng và hiệu quả tranh tụng tại phiên tòa hạn chế, yếu kém.

Bốn là: Lãnh đạo VKS các cấp cần có thái độ và xử lý nghiêm đối với những trường hợp KSV vi phạm pháp luật, kỷ luật trong quá trình kiểm sát việc giải quyết các VAHC vì: Hiện nay, một số KSV cấp huyện đã và đang có những biểu hiện tiêu cực, gây phiền hà, nhũng nhiễu cho nhân dân thể hiện từ thái độ tiếp dân, thiếu trách nhiệm trong việc tạo ra môi trường pháp lý lành mạnh để nhân dân tham gia quan hệ pháp luật tố tụng hành chính một cách bình đẳng, gây mất lòng tin trong nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

4. Tuân thủ triệt để các nguyên tắc ADPL, đảm bảo tính pháp chế trong hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân, nhằm tôn trọng và bảo vệ quyền công dân và quyền con người.

Công bằng, bình đẳng và dân chủ không chỉ là các tiêu chuẩn, các nguyên tắc được thừa nhận chung thể hiện bản chất của Nhà nước pháp quyền mà còn là đòi hỏi đối với các hoạt động của các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp nhằm mang lại lợi ích chung cho toàn bộ xã hội và nhân dân. Công bằng, bình đẳng trọng hoạt động tư pháp nói chung và hoạt động ADPL của VKS trong kiểm sát việc giải quyết các VAHC thuộc lĩnh vực quản lý đất đai nói riêng phải tạo điều kiện và đảm bảo mọi cơ quan, tổ chức và công dân được bình đẳng trước pháp luật; bảo đảm mọi vi phạm phải được xử lý nghiêm minh theo đúng pháp luật, bất luận người vi phạm là ai, có địa vị như thế nào trong xã hội. Bởi vì trong quan hệ Pháp luật TTHC thì người khởi kiện thường là người dân, các hộ gia đình… là bên yếu thế; trong khi đó, đối tượng bị khởi kiện lại chính là những quyết định hành chính, hành vi hành chính của các cơ quan công quyền. Tuy nhiên, để làm tốt chức năng, nhiệm vụ của mình trong công tác kiểm sát, đòi hỏi VKS phải  thực hiện nghiêm chỉnh các nguyên tắc tố tụng mang tính dân chủ, tạo điều kiện cho nhân dân tham gia rộng rãi, tích cực và chủ động nhất. Ngoài ra, cần nâng cao chất lượng hoạt động của Hội thẩm nhân dân, bảo đảm quyền tranh tụng công khai của Luật sư với cơ quan tiến hành tố tụng và có trách nhiệm tạo điều kiện để luật sư tham gia vào quá trình tố tụng kể từ khi Tòa án thụ lý vụ án, để họ có điều kiện tiếp cận và nghiên cứu hồ sơ án, tranh luận dân chủ tại phiên tòa. Nói cách khác, VKS phải đảm bảo rằng việc phán quyết của TA phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa; trên cơ sở xem xét đầy đủ các chứng cứ pháp lý, các ý kiến của KSV, người bào chữa, người làm chứng vv… và căn cứ vào pháp luật để ra phán quyết của mình đúng pháp luật.

5. Từng bước đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát theo hướng vừa cơ bản, vừa chuyên sâu.

Trường Đại học Kiểm sát (Hà Nội) và Phân hiệu trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ Kiểm sát tại TP. Hồ Chí Minh cần xây dựng được chiến lược đào tạo KSV theo hướng vừa cơ bản, vừa chuyên sâu, với thời gian liên tục, không chắp vá, kết hợp với công tác tập huấn nghiệp vụ chuyên sâu về kiểm sát án hành chính liên quan đến lĩnh vực quản lý đất đai cho đội ngũ KSV trực tiếp làm công tác này. Chú trọng, nâng cao chất lượng hệ thống giáo trình, bài giảng có cơ cấu, hàm lượng kiến thức pháp lý và kiến thức nghiệp vụ kiểm sát giải quyết các VAHC liên quan đến lĩnh vực quản lý đất đai cho phù hợp. Lãnh đạo Viện kiểm sát các cấp cần quan tâm tổ chức các hội nghị tập huấn nghiệp vụ, Hội nghị sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm về kiểm sát giải quyết các vụ án hành chính nói chung, trong đó nhấn mạnh đến nhiệm vụ, yêu cầu trong hoạt động kiểm sát việc giải quyết các VAHC thuộc lĩnh vực quản lý đất đai nhằm tạo ra môi trường và diễn đàn trao đổi để các kiểm sát viên có điều kiện giao lưu học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau./.

Ths. Lê Văn Hảo - Phó trưởng Khoa Quan hệ Quốc tế

    Ý kiến bạn đọc


    ĐĂNG NHẬP