1- Đặt vấn đề
Công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, đây là hoạt động mở đầu của quá trình giải quyết vụ án hình sự nhằm phát hiện hành vi phạm tội. Trên cơ sở tiếp nhận tin báo, tố giác, cơ quan có thẩm quyền xác định có dấu hiệu tội phạm hay không để quyết định việc khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự. Hoạt động kiểm sát tin báo tội phạm của Viện kiểm sát có vị trí, vai trò và ý nghĩa tiên quyết để đảm bảo mọi hành vi phạm tội, người phạm tội được phát hiện và xử lý kịp thời, đúng pháp luật.
Kiểm sát tốt việc giải quyết tin báo và tố giác tội phạm sẽ giúp cho việc đồng ý hoặc hủy bỏ quyết định khôngkhởi tố của Viện kiểm sát đối với Cơ quan điều tra chính xác và có căn cứ. Như vậy, có thể khẳng định hoạt động kiểm sát giải quyết tố giác tin báo tội phạm là một hoạt động không thể thiếu trong quá trình tố tụng hình sự vì nó bảo đảm cho việckhởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật và không bỏ lọt tội phạm.
Hoạt động kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo tội phạm của Viện kiểm sát đây cũng là một trong những bước quan trọng để có thể khẳng định có hay không có hành vi tội phạm xảy ra, người nào thực hiện hành vi phạm tội, tính chất, mức độ và hậu quả do hành vi phạm tội đó gây ra như thế nào. Đồng thời thông qua hoạt động này để có cơ sở khẳng định việc khởi tố là đúng người, đúng tội và đảm bảo các căn cứ để xử lý tội phạm, đảm bảo cho mọi hành vi phạm tội đều phải được xử lý theo quy định của pháp luật, tránh làm oan, sai và không bỏ lọt tội phạm. Kiểm sát tốt việc giải quyết tin báo và tố giác tội phạm sẽ giúp cho việc đồng ý hoặc hủy bỏ quyết định không khởi tố của Viện kiểm sát đối với Cơ quan điều tra chính xác và có căn cứ. Như vậy, có thể khẳng định hoạt động kiểm sát giải quyết tố giác, tin báo tội phạm là một hoạt động không thể thiếu trong quá trình tố tụng hình sự vì nó đảm bảo cho việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật và không bỏ lọt tội phạm, do vậy ta phải nghiên cứu chuyên đề này để nâng cao hiệu quả công tác kiểm sát và công tác đấu tranh phòng chống tội phạm.
Để thực hiện tốt chức năng kiểm sát theo quy định của pháp luật thì trước tiên Viện kiểm sát phải chủ động nắm được thông tin tố giác tin báo về tội phạm thông qua các kênh thông tin khác nhau, các cơ quan khác nhau để chuyển cho cơ quan điều tra có thẩm quyền giải quyết và kiểm sát việc giải quyết TPTP của cơ quan tra, tránh trường hợp tố giác tin báo về tội phạm trên thực tế có xẩy ra nhưng Viện kiểm sát không nắm được để kiểm sát, dẫn đến bỏ lọt tội phạm.
Trong thực tiễn Viện kiểm sát chủ động nắm, quản lý được thông tin về TBTP phong phú bao nhiêu thì công tác kiểm sát thuận lợi và hiệu quả bấy nhiêu. Nếu công tác kiểm sát chỉ trông chờ vào kết qủa tại cơ quan điều tra thì sẽ hạn chế rất nhiều trong công tác kiểm sát, công tác đấu tranh phòng chống tội phạm.
Với tầm quan trong và ý nghĩa nêu trên, do vậy chúng ta phải nghiên cứu chuyên đề này để cho công tác tiếp nhận, giải quyết TBTGTP và kiến nghị khởi tố được thực hiện đúng quy định và có hiệu quả, nhằm nang cao công tác đấu tranh phòng chống tội phạm.
2. Khái niệm về tiếp nhận và kiểm sát việc tiếp nhân, giải quyết tin báo , tố giác tội phạm ( TGTBTP) và kiến nghị khởi tố (KNKT) của Viện kiểm sát nhân dân:
- Tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố của Viện kiểm sát nhân dân là công tác thực hiện chức năng của VKSND theo luật định, có nội dung là ghi nhận việc cơ quan, tổ chức và công dân đến báo tin, tố giác về tội phạm đã, đang hoặc sẽ xảy ra để chuyển cho CQĐT có thẩm quyền thụ lý giải quyết và đồng thời tiến hành kiểm sát việc giải quyết đó theo qui định của BLTTHS.
- Kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết TG, TBVTP và KNKT là chức năng hiến định của viện kiểm sát, có nội dung là giám sát trực tiếp mọi hoạt động tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trong quá trình tiếp nhận, giải quyết TG, TBVTP và KNKT, nhằm bảo đảm cho pháp luật TTHS được thực hiện một cách nghiêm chỉnh, thống nhất.
Nội dung công tác kiểm sát việc tiếp nhận,giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố của Viện kiểm sát nhân dân gồm:
+ Kiểm sát việc tiếp nhận;
+ Kiểm sát việc phân loại để thụ lý;
+ Kiểm sát quá trình giải quyết và thời hạn giải quyết;
+ Kiểm sát việc kết thúc xác minh và ra quyết định xử lý;
+ Kiểm sát việc thông báo kết quả xác minh cho cơ quan, tổ chức đã báo tin, người đã tố giác tội phạm.
- Mối quan hệ giữa Viện kiểm sát nhân dân và Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra và các cơ quan khác trong hoạt động tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố là quan hệ tố tụng hình sự được phát sinh trong quá trình tiếp nhận, giải quyết TGTBTP và KNKT và mối quan hệ này chủ yếu mang tính chất phối hợp với cơ sở pháp lý là quy định của BLTTHS và các văn bản pháp luật liên quan.
3- Thực trạng về công tác tiếp nhận, kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.
3.1. Kết quả đạt được:
Trong 5 năm qua công tác nắm và kiểm sát việc giải quyết TGTBTP của Viện KSND huyện Kỳ Anh đã dược những kết quả như sau:
TT |
Nội dung |
Các năm |
||||
2011 |
2012 |
2013 |
2014 |
2015 |
||
1- |
Số TB đã kiểm sát |
87 |
96 |
93 |
118 |
103 |
2- |
Số TB đã giải quyết |
79 |
90 |
90 |
117 |
100 |
3- |
Só TB chưa giải quyết |
8 |
6 |
3 |
1 |
3 |
|
Tỷ lệ giải quyết |
90.8% |
93,8% |
96,8% |
99,2% |
97,1% |
Trong hoạt động kiểm sát việc giải quyết TBTGTP đơn vị đã cử kiểm sát viên bám sát và thường xuyên phối hợp với cơ quan ĐT để phân loại xử lý TBTGTP kịp thời và chính xác.
Khi cơ quan KSĐT có quyết định phân công ĐTV xác minh giải quyết TBTGTP thì Viện kiểm sát kịp thời phân công kiểm sát viên để kiểm sát việc giải quyết TBTGTP của cơ quan điều tra, do vậy tỷ lệ giải quyết TBTGTP qua các năm ngày càng được nâng cao.
Thông qua công tác kiểm sát TGTBTP Viện KSND huyện Kỳ anh đã: Ban hành 13 bản yêu cầu cơ quan ĐT khởi tố vụ án; ban hành 07 bản yêu cầu cơ quan ĐT đẩy nhanh tiến độ giải quyết TGTBTP; ban hành 02 quyết định hủy QĐ không khởi tố vụ án của cơ quan điều tra.
Mối quan hệ phối hợp giữa Viện kiểm kiểm sát Cơ quan Điều tra- Công an huyện Kỳ Anh và các cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra được thực hiện khá chặt chẽ, Viện KSND huyện Kỳ Anh đã chủ trì xây dựng quy chế và các cơ quan triển khai thực hiện theo đúng quy chế, hàng năm có tổng kết rút kinh nghiệm và bàn biện pháp phối hợp.
3.2 Những tồn tại:
Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, trong thời gian quan công tác nắm, kiểm sát việc tiếp nhận TGTBTP và Kiến nghị khởi tố còn có nhiều hạn chế đó là:
a- Tồn tại trong nắm và quản lý nguồn TGTBTP.
Để thực hiện tốt công tác kiểm sát việc giải quyết TBTGTP trước tiên phải quản lý và nắm được các nguôn tin báo, nhưng trong thời gian qua Viện KSND huyện Kỳ Anh chưa có nhiều biện pháp để nắm các nguồn tin báo, nguồn tin báo chủ yếu nắm qua các kênh thông tin sau:
+ Nguồn TGTBTP do cơ qua điều tra tiếp nhận , thụ lý giải quyết
+ Nguồn TGTBTP do công dân gửi đơn tố cáo, tố giác tội phạm đến Viện kiểm sát nhân dân huyện Kỳ Anh, sau đó Viện kiểm sát phân loại xử lý chuyển đến cơ quan điều tra giải quyết.
Như vậy công tác nắm và quản lý nguồn TBTP còn hạn chế và lúng túng bị động chưa phong phú đa dạng, nên thông tin còn ít, dẫn đến hiệu quả công tác kiểm sát chưa cao. Đối với các TGTBTP nếu cơ quan điều tra nắm nhưng chưa cung cấp cho Viện kiểm sát thì Viện kiểm sát cũng không thể biết.
b- Tồn tại trong công tác phối hợp:
Trong công tác phối nhiều lúc chưa chủ động, chưa thường xuyên phối hợp với cơ quan điều tra, các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra để phân loại xử lý từ tình hình mà cơ quan điều tra nắm được, nhiều lúc cơ quan điều tra ra QĐ phân công điều tra viên giải quyết TGTBTP và gửi cho VKS thì lúc đó Viện kiểm sát mới biết và phân công kiểm sát viên kiểm sát việc giải quyết TGTBTP.
c- Tồn tại trong công tác kiểm sát việc giải quyết TGTBTP.
+ Trong công tác Kiểm sát việc giải quyết TGTBTP, do thông tin nắm về TGTBTP còn hạn chế nên công tác kiểm sát việc giải quyết TGTBTP chưa đạt hiệu quả cao, chưa chủ động.
+Trong quá trình kiểm sát có nhiều TBTGTP Kiểm sát viên còn chưa chủ động phối hợp với ĐTV để bàn KH, hoặc đề ra yêu cầu xác minh cụ thể, dẫn đến còn để TBTP quá hạn giải quyết ( trừ các TGTBTP quá thời hạn có lý do khách quan), trong 5 năm ( từ năm 2011- 2015) tại cơ quan điều tra Công an huyện kỳ anh có 29 TBTGTP quá thời hạn hạn quyết theo luật định.
Tóm lại : Trong thời gian qua trong công tác nắm và kiểm sát việc giải quyết TGTBTP của Viện KSND huyện Kỳ Anh có đạt được những kết quả nhất định, nhưng bên cạnh đó còn có nhiều tồn tại hạn chế cần khác phục như: Chưa có nhiều biện pháp phong phú để nắm các nguồn TGTBTP, trong thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong tiếp nhận giả quyết TGTBTP còn có nhiều hạn chế dẫn đến hiệu quả chưa cao.
4- Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, kiểm sát việc giải quyết TGTBTP.
Để thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tin báo tố giác tội phạm góp phần tích cực trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện nhà, chúng ta cần thực hiện đồng bộ, toàn diện một số biện pháp cụ thể như sau:
4.1 - Quán triệt cho cán bộ, kiểm sát sát hiểu rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát khi thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tiếp nhận việc giải quyết TBTGTP và kiến nghị khởi tố theo Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014, để cán bộ, kiểm sát viên nắm vững nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân khi thực hành quyền công tố trong việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố và nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân khi kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, để từ đó thực hiện nhiệm vụ đúng quy định và hiệu quả.
4.2 Nêu cao ý thức trách nhiệm của cán bộ kiểm sát viên được giao nhiệm vụ khi thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác tin báo về tội phạm.
Việc nêu cao ý thức trách nhiệm của KSV được phân công nhiệm vụ này nó sẽ làm tăng hiệu quả trong công tác, mỗi kiểm sát viên khi được giao nhiệm vụ, sẽ làm việc tự giác, luôn tim tòi học hỏi để nâng cao kinh nghiệm, trình độ chuyên môn thì hiệu quả công tác kiểm sát ngày càng được nâng cao. Tổ chức quán triệt, nâng cao nhận thức cho cán bộ, Kiểm sát viên về vị trí, vai trò của công tác kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm, kiến nghị khởi tố, xác định rõ đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm chống bỏ lọt tội phạm, từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ đạt hiệu quả cao.
4.3 Nhóm các biện pháp cần được áp dụng đồng bộ trong công tác nắm và tiếp nhận TGTBTP.
Để công tác kiểm sát TGTBTP có hiệu quả thì việc nắm và tiếp nhận thông tin về TGTBTP là một vấn đề hết sức quan trọng, nếu Viện kiểm sát nắm được thông tin càng sớm, càng phong phú và kịp thời thì công tác kiểm sát việc giải quyết TGTBTP càng chủ động và hiệu quả.
Trong thời gian tới chúng ta cần áp dụng đồng bộ các biện pháp tiếp nhận thông tin về TGTBTP trên các nguồn sau:
a- Nắm thông tin về TGTBTP thông qua chính quyền các xã, thông qua công dân các xã trên địa bàn:
Trong thực tế nhiều lúc TGTBTP cơ quan điều tra nắm được nhưng chưa thông tin cho Viện kiểm sát thì Viện kiểm sát cũng không thể biết được; mặt khác có những TBTP nếu chính quyền địa phương muốn giữ lại xử lý hành chính hoặc không xử lý mà không cung cấp cho cơ quan điều tra thì cơ quan điều tra, Viện kiểm sát cũng không biết được. Do vậy việc nắm thông tin về TBTP qua Chính quyền cấp xã, qua công dân là một biện pháp quan trong giúp cho Viện kiểm sát chủ động trong việc tiếp nhận và kiểm sát việc giải quyết TBTGTP.
Để thực hiện hiệu quả biện pháp này Viện kiểm sát cần chủ động làm việc với UBND các xã về tuyên truyền chức năng nhiệm của Viện KSND trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, qua đó có văn bản phối hợp với UBND các xã về cung cấp thông tin về TGTBTP cho Viện kiểm sát đột xuất cũng như định kỳ hàng tháng.
Mặt khác Viện kiểm sát có thông báo bằng văn bản số điện thoại nóng về tiếp nhận TGTBTP và được thông báo công khai tại các hội quán, thôn văn hóa, để công dân đến sinh hoạt thôn hiểu rõ được chức năng của viện kiểm sát, khi có thông tin về TBTP thì công dân có thể phản ánh trực tiếp với Viện kiểm sát, từ đó Viện kiểm sát nắm bắt được thông tin nhanh chóng, phục vụ có hiệu quả cho công tác kiểm sát, nằm tránh trường hợp chính quyền cấp xã kéo dài thời gian hoặc dấu thông tin.
Đây là một biện pháp mới nếu thực hiện biện pháp này tốt thì rất chủ động trong công tác nắm và kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết TBTGTP.
b-Phân công cán bộ thường xuyên theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng để nắm các thông tin về TBTGT. Trong thực tiễn nhiều thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, báo đài, mạng xã hội rất chính xác và thời gian rất nhanh, nếu theo dõi nắm bắt kịp thời thì phục vụ rất hiệu quả cho công tác nắm và kiểm sát TGTBTP.
c- Thông qua công tác Tiếp công dân, tiếp nhận giải quyết KN-TC:
Đây là một kênh thông tin mà trong thời gian qua viện kiểm sát đã nắm được khá nhiều thông tin để phục vụ cho công tác kiểm sát. Trong thực tế có những đơn thư tố cáo, tố giác tội phạm khi gửi đến Viện kiểm sát thì lúc đó Viện kiểm sát mới biết, vì cơ quan ĐT chưa cung cấp nên Viện kiểm sát không biết để kiểm sát, do vậy nắm TGTBTP qua kênh thông tin này cũng rất quan trọng và hiệu quả.
d- Thông qua kết qủa hoạt động các khâu nghiệp vụ công tác: Thông qua hoạt động nghiêp vụ, nếu có dấu hiệu tội phạm xẩy ra thì Viện kiểm sát chủ động nắm và chuyển cơ quan ĐT giải quyết.
đ - Thông qua các mối quan hệ với công dân: Trong thời gian quan nhiều thông tin Viện kiểm sát nắm được thông quan mối quan hệ của cán bộ Viện kiểm sát với công dân, giúp cho công tác nắm thông tin về TBTP và phục vụ rất hiệu quả cho công tác kiểm sát việc giải quyêt TPTGTP.
4.4 . Nhóm các biện pháp cần được áp đồng bộ trong công tác kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết TGTBTP tại Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra:
a- Tăng cường công tác kiểm sát việc tiếp nhận, phân loại thụ lý của Cơ quan điều tra:
Đây là biện pháp đầu tiên khi kiểm sát tại Cơ quan điều tra, để thực hiện tốt biện pháp này căn cứ vào quy chế phối hợp và thống nhất giữa lãnh đạo các ngành, hàng tuần vào ngày cuối tuần, Viện KSND cử cán bộ hoặc , KSV trực tiếp Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra tiến hành rà soát, đối chiếu các nguồn tin mà cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nắm được trong tuần, từ đó căn cứ vào tài liệu đã xác minh thu thập được để thống nhất phân loại, đối với những thông tin nào có dấu hiệu tội phạm thì thống nhất phân loại đưa vào TBTP để thực hiện hiện việc thụ lý, phân công ĐTV xác minh giải quyết và đồng thời Viện kiểm sát cũng phân công kiểm sát viên kiểm sát việc giải quyết.
Biện pháp này thực hiện thường xuyên nó sẽ giúp cho Viện Kiểm sát chủ động trong việc nắm thông tin ngày từ đầu đảm bảo cho việc kiểm sát việc giải quyết TBTGTP có hiệu quả, cụ thể:
- Để kiểm sát chặt chẽ việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố của Cơ quan điều tra và các cơ quan khác được giao một số nhiệm vụ điều tra, VKS cần theo dõi nắm chắc, kiểm sát chặt chẽ từ đầu việc tiếp nhận, thụ lý, vào sổ tố giác, tin báo về tội phạm. Bảo đảm có Kiểm sát viên trực 24/24 giờ trong ngày để tiếp nhận tố giác, tin báo, 100% tố giác, tin báo về tội phạm đã thụ lý đều có Quyết định phân công Kiểm sát viên. Đối với loại tố giác, tin báo chưa thể phân loại thì vào sổ theo dõi tình hình chung và tiếp tục xác minh. Khi thấy tin báo phức tạp, hoặc có vướng mắc, Kiểm sát viên cần kịp thời báo cáo lãnh đạo VKS để xử lý.
- Hàng tuần, Kiểm sát viên được phân công làm nhiệm vụ kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm phải cập nhật, theo dõi việc phân loại của Cơ quan điều tra để báo cáo với lãnh đạo VKS. Hàng tháng tiến hành rà soát số liệu tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố đã tiếp nhận, đã phân loại xử lý để xác định những việc Cơ quan điều tra đã làm và những việc chưa làm, từ đó có văn bản yêu cầu Cơ quan điều tra thực hiện, hạn chế để xảy ra tình trạng vi phạm thời hạn giải quyết mà không có lý do chính đáng. Viện kiểm sát có trách nhiệm thông báo kết quả kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm của đơn vị mình đến Cơ quan điều tra để cùng thống nhất số liệu; nếu phát hiện có trường hợp chưa được giải quyết trong thời hạn luật định thì yêu cầu Cơ quan điều tra nêu rõ lý do, hướng giải quyết.
b- Tăng cường kiểm sát chặt chẽ quá trình giải quyết và thời hạn giải quyết TGTBTP:
Sau khi đã thụ lý giải quyết TGTBTP việc kiểm sát quá trình giải quyết và thời hạn giải quyết tại cơ quan điều tra hết sức quan trọng , vì giai đoạn này là quá trình xác minh thu thập tài liệu liên quan đến vụ việc để có dấu hiệu tội phạm thì khởi tố vụ án , nếu không có dấu hiệu tội phạm thì không khởi tố vụ án, do vậy kiểm sát viên phải bám sát việc xác minh giải quyết của cơ quan điều tra. Kiểm sát viên phải thực hiện nghiên cứu tài liệu đã thu thập được từ đó đề ra yêu cầu điều tra xác minh thu thập tài liệu, phối hợp thống nhất với ĐTV các nội dung cần thu thập làm rõ để có kết quả giải quyết đúng đắn, trong quá trình giải quyết cần tuân thủ thời gian giải quyết theo quy định, nếu thấy tiến độ xác minh giải quyết của cơ quan điều tra chậm thì kịp thời ban hành văn bản yêu cầu. Thông thường trong giai đoạn này mà KSV không tập trung, phối hợp kiểm sát chặt chẽ thì các tài liệu thu thập được sẽ chất lượng không cao, thời hạn giải quyết kéo dài.
Trong quá trình kiểm sát nếu thấy vướng mắc khó khăn gì thì KSV cần kịp thời báo cáo lãnh đạo viện để bàn phối hợp liên ngành giải quyết đúng quy định.
c- Kiểm sát việc kết thúc xác minh và ra quyết định xử lý.
Đây là giai đoạn cơ quan điều tra đã cơ bản hoàn thành công tác xác minh thu thập tài liệu có liên quan làm cơ sở cho việc ra quyết định xử lý.
Đối với một TGTBTP sau khi kết thúc việc xác minh, cơ quan điều tra ra một trong hai quyết định sau:
- Quyết định khởi tố vụ án hình sự:
- Quyết định không khởi tố vụ án hình sự
Đây là một nội dung hết sức quan trọng vì thông qua nội dung này sẽ làm phát sinh hoặc chấm dứt một giai đoạn tố tụng khác do vậy: Trước khi ĐTV có báo cáo kết quả xác minh để xử lý việc giải quyết, kiểm sát viên cần phối hợp với ĐTV rà soát các tài liệu đã thu thập được trong hồ sơ, để nếu các tài liệu đó chưa đủ cơ sở giải quyết thì yêu cầu ĐVT thu thập bổ sung. Trường hợp có khó khăn vướng mắc thì Kiểm sát viện và điều tra viên kịp thời báo cáo để lãnh đạo hai ngành họp bàn xử lý giải quyết kịp thời.
3.5- Tranh thủ sự lãnh đạo của Cấp uỷ Đảng, sự giúp đỡ của chính quyền địa phương , kịp thời giải quyết những khó khăn vướng mắc; tham mưu cho Cấp uỷ ra nghị quyết chuyên đề, chỉ đạo công tác giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm.
IV-KẾT LUẬN
Công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm. Đây là hoạt động mở đầu của quá trình giải quyết vụ án hình sự nhằm phát hiện hành vi phạm tội. Trên cơ sở tiếp nhận tin báo, tố giác, cơ quan có thẩm quyền xác định có dấu hiệu tội phạm hay không để quyết định việc khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự.
Trong thời gian qua Viện KSND huyện Kỳ Anh đã có nhiều cố gắng trong công tác tiếp nhận, kiểm sát việc giải quyết TGTBTP, nhìn chung các TGTBTP được giải quyết khá khịp thời, tỷ lệ giải quyết tin báo ngày càng cao. Tuy nhiên bên cạnh đó còn bộc lộ nhiều nhược điểm, chua có các biện pháp linh hoạt trong công tác nắm thông tin, trong công tác phối hợp và công tác kiểm sát việc giải quyết TGTB còn có nhiều hạn chế, chất lượng chưa cao.
Để nâng cao hiệu quả công tác kiểm sát việc giải quyết TGTBTP chúng ta cần tiến hành đồng thời 11 biện pháp trong việc tiếp nhận, kiểm sát việc giả quyết TGTBTP, nếu chúng ta tiến hành đồng thời được 11 biện pháp nêu trên thì Viện kiểm sát sẽ rất chủ động và kiểm sát đạt hiệu quả cao trong công tác tiếp nhận, giải quyết TGTBTP của cơ quan điều tra.
Nguyễn Ngọc Bính
Viện trưởng Viện KSND huyện Kỳ Anh