Các giải pháp nâng cao chất lượng công tác kiểm sát giải quyết các vụ án hành chính của Viện KSND tỉnh.
09:58 23/04/2020

Trong những năm qua, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã đề ra nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác kiểm sát giải quyết án hành chính. Phòng 9 xin giới thiệu một số biện pháp, giải pháp công tác như sau :

I. Về những giải pháp chung .

1. Tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành.

- Lãnh đạo Viện kiểm sát hai cấp đã tăng cường nắm, quản lý tiến độ giải quyết án hành chính. Định kỳ hàng tuần, tổ chức giao ban nhằm đánh giá kết quả công tác kiểm sát giải quyết án hành chính; đôn đốc việc giải quyết các vụ án, đặc biệt là các vụ án phức tạp đã gia hạn thời hạn giải quyết. Lãnh đạo Phòng nghiệp vụ đã kịp thời tham mưu trả lời bằng văn bản các vụ án thỉnh thị xin đường lối giải quyết.

Viện kiểm sát tỉnh đạo Viện kiểm sát hai cấp tăng cường công tác nghiên cứu, cập nhật các quy định của pháp luật mới có hiệu lực thi hành, kể cả Luật nội dung và Luật hình thức ( Luật tố tụng hàng chính) liên quan đến việc giải quyết vụ án hành chính

- Viện kiểm sát tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ đối với VKS cấp huyện. Xuất phát từ thực tiễn, VKS cấp huyện là nơi thụ lý án nhiều, phức tạp, nhưng cán bộ, Kiểm sát viên còn thiếu kinh nghiệm, do vậy VKS tỉnh đã tăng cường công tác hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ; cùng với VKS cấp huyện phát hiện những thiếu sót, tồn tại trong thu thập, đánh giá chứng cứ của Thẩm phán cấp sơ thẩm qua đó đề xuất đường lối giải quyết phù hợp, đúng quy định của pháp luật. Đồng thời thông qua công tác kiểm tra các phiếu kiểm sát  bản án, quyết định của Tòa án cấp huyện, Viện KKSND tỉnh đã tăng cường công tác thông báo rút kinh nghiệm về những tồn tại, thiếu sót của VKS cấp huyện để nâng cao chất lượng hoạt động nghiệp vụ cho cán bộ, Kiểm sát viên cấp huyện.

2. Kiện toàn tổ chức, bộ máy và nguồn nhân lực .

Trong năm 2019, Viện kiểm sát tỉnh đã sáp nhập Phòng kiểm sát giải quyết án dân sự và Phòng kiểm sát giải quyết án hành chính. Vì vậy khối lượng công việc nặng nề hơn; các Kiểm sát viên phải làm 2 nhiệm vụ về án hành chính và án dân sự, nên không tránh khỏi việc phân tâm, ít có thời gian nghiên cứu chuyên sâu. Đề nghị Viện kiểm sát tối cao chỉ đạo VKS địa phương quan tâm hơn nữa về hướng dẫn, chỉ đạo hoạt động nghiệp vụ, trong đó cần bố trí các Kiểm sát viên có kinh nghiệm để thực hiện nhiệm vụ của khâu công tác này.

3. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, rút kinh nghiệm nghiệp vụ cho công chức, kiểm sát viên .

Từ khi tái lập tỉnh Hà Tĩnh ( năm 1991) đến nay, định kỳ vào Quý I hàng năm, Viện KSND tỉnh tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ, Kiểm sát viên làm công tác kiểm sát giải quyết án dân sự, hành chính. Qua đó đã nâng cao nhận thức, kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ công chức làm công tác này. Ngoài ra, đơn vị đã tham gia đầy đủ các cuộc tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ do Viện KSND tối cao tổ chức. Với nhiều biện pháp, giải pháp đồng bộ, nên trình độ và kỹ năng nghiệp vụ của cán bộ, Kiểm sát viên của Viện kiểm sát hai cấp ngày càng được nâng cao, từng bước đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ kiểm sát hoạt động tư pháp trong lĩnh vực giải quyết án hành chính trong giai đoạn hiện nay.

4. Tăng cường điều kiện đảm bảo thực hiện công tác kiểm sát .

Trong những năm gần đây, được sự quan tâm của lãnh đạo Viện KSND tỉnh, nên đơn vị đã được trang cấp một số trang thiết bị phục vụ cho hoạt động nghiệp vụ như : xe mô tô, camera, máy ảnh, máy vi tính. Tuy nhiên, so với yêu cầu, nhiệm vụ thì chưa đáp ứng, đặc biệt là các trường hợp KSV xuống cơ sở xác minh, thu thập các tài liệu chứng cứ, ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Do vậy, đề nghị VKSTC chỉ đạo VKS tỉnh bố trí xe ô tô phục vụ công tác ( theo quy chế, lãnh đạo cấp phòng, KSV không được bố trí xe công vụ).

5. Tăng cường mối quan hệ phối hợp ( giữa VKS cấp trên với VKS cấp dưới; giữa VKS với Tòa án và các cơ quan hữu quan).

- Trong những năm qua, Viện kiểm sát hai cấp đã tăng cường mối quan hệ phối hợp với các cơ quan hữu quan trong giải quyết án hành chính. Đối với Tòa án, VKS tỉnh và 13 đơn vị cấp huyện đã ký kết Quy chế phối hợp liên ngành trong kiểm sát giải quyết và giải quyết các vụ án hành chính. Hàng năm có sơ kết, tổng kết việc thực hiện quy chế, trong đó nghiêm túc kiểm điểm những tồn tại, hạn chế, đồng thời đề ra các biện pháp khắc phục trong thời gian tới, đồng thời rà soát để sửa đổi, bổ sung Quy chế cho phù hợp với các quy định của pháp luật mới có hiệu lực. Chủ động đưa vào Quy chế phối hợp những nội dung pháp luật chưa quy định, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kiểm sát.

Trong các vụ án phức tạp có liên quan đến UBND các cấp là người bị kiện, VKS tỉnh đã chủ động phối hợp với Tòa án làm việc với UBND, yêu cầu cung cấp đầy đủ tài liệu, chúng cứ có liên quan, đồng thời tham gia đầy đủ các hoạt động tố tụng theo yêu cầu của Tòa án.

- Quá trình kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, Kiểm sát viên đã xác định được những nội dung cần phối hợp giải quyết. Khi phát hiện vi phạm, nếu vi phạm chưa đến mức kháng nghị, kiến nghị thì Kiểm sát viên nhắc nhở Thẩm phán khắc phục sửa chữa kịp thời. Đối với những vi phạm làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các đương sự, hoặc giải quyết vụ án vi phạm trình tự thủ tục tố tụng, thì ban hành các kháng nghị, kiến nghị yêu cầu khắc phục, sửa chữa.

- Đối với Viện kiểm sát cấp dưới, ngoài việc thường xuyên hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ, Viện kiểm sát tỉnh đã kịp thời trả lời thỉnh thị bằng văn bản về đường lối giải quyết các vụ án phức tạp, khó khăn trong thu thập và đánh giá chứng cứ. Định kỳ hàng quý ban hành thông báo rút kinh nghiệm trong giải quyết các vụ án hành chính và đôn đốc tiến độ giải quyết án.

6. Về tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp .

Án hành chính là loại án phức tạp, nhiều vụ hết sức nhạy cảm,  liên quan đến khởi kiện các quyết định hành chính, công tác đền bù giải phóng mặt bằng, các dự án kinh tế lớn của địa phương. Vì vậy trong nhiều trường hợp cần có sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của HĐND, để việc giải quyết vụ án đảm bảo tính khách quan, minh bạch và đúng quy định của pháp luật. Nhận thức được vấn đề này, trong những năm qua, Viện kiếm sát hai cấp đã thường xuyên tranh thủ ý kiến chỉ đạo của cấp ủy trong 1 số vụ án hành chính phức tạp, được dư luật quan tâm, trong đó có vụ 114 đơn khởi kiện liên quan đến công tác đền bù giải phóng mặt bằng dự án Ngàn Trươi – Cẩm Trang; dự án khu kinh tế Vũng Áng; dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1 A;  vụ án hành chính sơ thẩm giữa người khởi kiện là Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Thiên Cầm với người bị kiện là UBND tỉnh Hà Tĩnh; vụ án hành chính giữa người khởi kiện là bà Trần Thị Lương, ông Trần Văn Dương với người bị kiện là UBND huyện Nghi Xuân tỉnh Hà Tĩnh... Các vụ án này, trong quá trình giải quyết đều có sự giám sát của Hội đồng nhân dân dân, thông qua hoạt động giám sát theo chuyên đề và giám sát tại các kỳ họp của Hội đồng nhân dân.

II. Về những giải pháp riêng.

1. Tranh thủ đến mức tối đa sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp; sự quan tâm chỉ đạo của cơ quan quản lý nhà nước cấp trên đối với quan quản lý nhà nước cấp dưới; sự phối hợp cung cấp hồ sơ tài liệu liên quan đến giải quyết các vụ án hành chính.

Trong các vụ án hành chính, người bị khởi kiện là các cơ quan hành chính nhà nước. Tình trạng chung, người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước và cơ quan hành chính nhà nước không muốn tham gia; từ chối hoặc chậm cung cấp hồ sơ tài liệu liên quan đến việc giải quyết vụ án cho Tòa án, nhiều trường hợp xin xét xử vắng mặt. Những khó khăn nói trên, đã làm ảnh hưởng đến thời hạn giải quyết án, phải gia hạn nhiều lần thời hạn giải quyết, thậm chí vi phạm thời hạn giải quyết

Để từng bước khắc phục tình trạng nói trên, đối với những vụ án khó khăn, phức tạp, Viện kiểm sát hai cấp đã báo cáo với cấp ủy địa phương và cơ quan hành chính cấp trên, đề nghị có sự chỉ đạo đối với cơ quan hành chính nhà nước ngang cấp và cấp dưới trong việc cung cấp hồ sơ tài liệu liên quan đến vụ án, đồng thời tham gia đầy đủ các hoạt động tố tụng theo quy định của pháp luật khi có yêu cầu của Tòa án.  Nhờ biện pháp tác động này, các vụ án hành chính phức tạp, khó khăn mà Tòa án thụ lý trong thời gian qua trên địa bàn Hà Tĩnh đã được giải quyết đảm bảo đúng quy định của pháp luật, được các bên đương sự chấp nhận, góp phần ổn định tình hình chính trị tại địa phương.

2. Bám sát tiến độ giải quyết vụ án; phát hiện, yêu cầu khắc phục kịp thời các vi phạm trong quá trình giải quyết vụ án; kiểm sát chặt chẽ các bản án, quyết định của Tòa án về giải quyết các vụ án hành chính.

Trong những năm qua, Viện kiểm sát tỉnh ( Phòng 9) đã hướng dẫn Viện kiểm sát cấp huyện áp dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ, để nắm và quản lý được tiến độ giải quyết án. Sau khi nhận được thông báo thụ lý, Kiểm sát viên đã trực tiếp làm việc với Thẩm phán về các tài liệu do người khởi kiện cung cấp, đồng thời thống nhất ban đầu việc xây dựng hồ sơ, những vấn đề cần tập trung điều tra, thu thập chứng cứ chứng minh để phục vụ cho giải quyết vụ án.

Đối với những vụ án phức tạp, Kiểm sát viên chủ động nắm lịch của Thẩm phán để tham gia các hoạt động đối thoại, đối chất, xem xét thẩm định tại chỗ. Qua đó Kiểm sát viên nắm chắc được tiến độ; quan điểm của các bên đương sự và các chứng cứ có tại hồ sơ, để có quan điểm chính xác trong quá trình giải quyết vụ án.

Qua hoạt động kiểm sát, đã tích cực, chủ động phát hiện những tồn tại, vi phạm của Thẩm phán để yêu cầu khắc phục ngay; những vi phạm trong các quyết định, bản án của Tòa án, tùy từng trường hợp ban hành các kháng nghị, kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm.

3. Phát huy trí tuệ tập thể trong hoạt động kiểm sát giải quyết án hành chính .

Đối với các vụ án hành chính phức tạp, có nhiều ý kiến khác nhau, đơn vị đã họp bàn xin ý kiến tập thể trước khi báo cáo lãnh đạo Viện. Các vi phạm đến mức kháng nghị, kiến nghị đã được phân tích kỹ lưỡng, tìm căn cứ vi phạm chính xác, vì vậy các kháng nghị, kiến nghị đảm bảo tính thuyết phục được Tòa án chấp nhận. Kết quả đó, thể hiện sự cẩn trọng, phát huy được trí tuệ tập thể của cán bộ, Kiểm sát viên trong đơn vị.

Phòng 9 – VKS tỉnh

    Ý kiến bạn đọc


    ĐĂNG NHẬP