Phòng 7 - Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thường xuyên nâng cao chất lượng công tác THQCT, KSXX qua các phiên tòa rút kinh nghiệm, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp
10:32 28/05/2020

Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng công tác THQCT, KSXX tại phiên tòa của Kiểm sát viên , trong những năm qua lãnh đạo Viện kiểm sát hai cấp đã xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và lâu dài. Cùng với việc tổ chức thực hiện các biện pháp đồng bộ khác, Viện kiểm sát 2 cấp đã chủ động phối hợp với Tòa án tổ chức các phiên tòa theo yêu cầu cải cách tư pháp, coi việc thực hiện các thao tác của Kiểm sát viên tại phiên tòa là khâu đột phá, là yếu tố khẳng định vị thế, vai trò của Viện kiểm sát trước công luận, từng bước đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.

Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin đưa ra một số kinh nghiệm thực tiễn về nâng cao chất lượng công tác THQCT và KSXX qua các phiên tòa rút kinh nghiệm, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.

Từ năm 2017-2019, 13/13 đơn vị cấp huyện và 3/3 đơn vị cấp phòng đã tổ chức được 333 phiên tòa rút kinh nghiệm (trung bình 111 phiên tòa/ năm), trong đó: Cấp tỉnh : 72 phiên tòa, gồm Phòng 7: 35 phiên tòa; Phòng 1: 10 phiên tòa; Phòng 2: 27 phiên tòa; Cấp huyện : 261 phiên tòa, gồm: nội bộ: 225 phiên tòa, cụm: 36 phiên tòa.

Các đơn vị đều đạt chỉ tiêu 01 kiểm sát viên/2 phiên tòa/1 năm, trong đó nhiều đơn vị nhiều năm vượt chỉ tiêu như: Phòng 7, Viện kiểm sát thành phố Hà Tĩnh, Hương Sơn, Đức Thọ, Thạch Hà…. Đáng chú ý, nhiều đơn vị đã lồng ghép phiên tòa rút kinh nghiệm với việc xét xử lưu động nên có hiệu quả cao trong công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật.

Mục đích của tổ chức phiên toà rút kinh nghiệm theo yêu cầu cải cách tư pháp là từng bước nâng cao kỹ năng thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại phiên toà của Kiểm sát viên, rút ra bài học kinh nghiệm để chỉ đạo, phát huy nhân rộng ưu điểm, đề ra biện pháp khắc phục tồn tại, yếu điểm của Kiểm sát viên tại phiên toà hình sự. Do đó, thời gian qua các vụ án đưa ra xét xử rút kinh nghiệm thường phức tạp, đông bị cáo, tính chất hành vi và hậu quả của tội phạm là nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, có bị cáo kháng cáo kêu oan, bỏ lọt tội phạm, có người tham gia tố tụng bào chữa cho bị cáo, bị hại…

Việc chọn, phân công Kiểm sát viên trực tiếp thực hành quyền công tố tại phiên toà đã được quan tâm đúng mức, tùy theo tính chất của từng vụ án, các đơn vị đã lựa chọn Kiểm sát viên có năng lực, kinh nghiệm về chuyên môn nghiệp vụ kiểm sát hình sự, ứng xử linh hoạt trong quá trình xét xử, nắm bắt các vấn đề, phản ứng tốt với các tình huống tại phiên toà tạo điều kiện cho cán bộ, Kiểm sát viên khác học tập, rút kinh nghiệm. Quá trình tổ chức thực hiện, các đơn vị không chỉ phân công các Kiểm sát viên có năng lực thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử mà còn phân công cho các Kiểm sát viên khác để rèn luyện kỹ năng nghiệp vụ và tổ chức rút kinh nghiệm chung, góp phần nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố nói chung và chất lượng tranh tụng tại phiên toà nói riêng.

Thông qua tham dự các phiên toà xét xử rút kinh nghiệm theo yêu cầu cải cách tư pháp thấy, trước khi xét xử hầu hết Kiểm sát viên đã nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, chuẩn bị tốt đề cương xét hỏi, dự kiến những vấn đề cần tranh luận..., tại phiên tòa chú ý ghi chép đầy đủ, kịp thời diễn biến và những vấn đề, tình tiết mới phát sinh. Do đó, đã chủ động tranh luận với từng vấn đề được nêu ra, tạo điều kiện để bị cáo, người bào chữa, người tham gia tố tụng khác trình bày hết các ý kiến; biết tận dụng những mâu thuẫn trong lời bào chữa để tranh luận đối đáp. Trong nhiều phiên tòa, Kiểm sát viên đã đối đáp và làm rõ từng vấn đề luật sư đưa ra với lập luận sắc bén, có căn cứ, phản bác lại các quan điểm không đúng đắn của người bào chữa; mọi ý kiến của bị cáo, luật sư, và những người tham gia tố tụng khác đều được tranh luận đầy đủ, xác đáng. Nhiều Kiểm sát viên có thái độ nghiêm túc, thực sự cầu thị, tôn trọng sự thật khách quan, tiếp thu các quan điểm, luận cứ, luận chứng của người tranh luận đối lập khi xét thấy có căn cứ, hợp lý, hợp pháp. Một số Kiểm sát viên đã tự học hỏi, tổng hợp và xây dựng cho mình nhiều kỹ năng tốt như kỹ năng lắng nghe, tổng hợp ý kiến, kỹ năng phản biện, sử dụng ngôn ngữ, liên hệ, so sánh...

Để đảm bảo các phiên tòa rút kinh nghiệm đạt chất lượng, hiệu quả thì ngay từ quá trình kiểm sát điều tra Kiểm sát viên đã phải dự kiến các vụ án cụ thể để định hướng cho việc chọn làm phiên tòa rút kinh nghiệm sau này. Việc lựa chọn ngay từ đầu có ý nghĩa rất quan trọng, giúp các Kiểm sát viên chủ động hơn, nắm chắc vụ án hơn, những vấn đề gì cần làm rõ Kiểm sát viên sẽ yêu cầu Cơ quan điều tra làm rõ trong quá trình điều tra vụ án.

Chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa phụ thuộc rất nhiều vào các tài liệu chứng cứ thu thập được ở giai đoạn điều tra. Các chứng cứ thu thập được ở giai đoạn điều tra nếu đầy đủ sẽ giúp cho Kiểm sát viên nắm chắc được các tình tiết của vụ án, những hạn chế trong công tác điều tra, thái độ khai báo của bị cáo và những người tham gia tố tụng để dự thảo bản đề cương đối đáp tranh luận tại phiên tòa có chất lượng.

Việc tranh luận tại phiên toà là yêu cầu bắt buộc và cũng là yêu cầu rất cao đối với Kiểm sát viên. Vì vây, trước khi tham gia phiên toà các Kiểm sát viên đều dự thảo đề cương tham gia xét hỏi và những nội dung cần làm sáng tỏ, dự kiến các tình huống khác có thể phát sinh tại phiên toà để tham gia xét hỏi nhằm xác định sự thật của vụ án và các tình tiết khác có liên quan đến việc định tội, đề xuất hình phạt.

Việc tổ chức rút kinh nghiệm sau phiên toà là một khâu rất quan trọng, do đó được lãnh đạo các đơn vị quan tâm và thực hiện nghiêm túc, đầy đủ. Các phiên tòa tổ chức theo cụm huyện có sự tham dự của lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, lãnh đạo và Kiểm sát viên các Phòng 1, 2, 7, lãnh đạo, Kiểm sát viên các đơn vị Viện kiểm sát trong cụm. Ngoài ra còn có sự tham dự của đại diện Tòa án nhân dân tỉnh, Cơ quan điều tra, Tòa án cấp huyện… Viện kiểm sát nhân dân các huyện đã chủ trì tổ chức rút kinh nghiệm chung, đánh giá kết quả, ưu điểm, tồn tại về công tác thực hành quyền công tố tại phiên tòa của Kiểm sát viên, để Kiểm sát viên có thể rút kinh nghiệm, phát huy mặt tốt, khắc phục sửa chữa thiếu sót nhằm hoàn thiện hơn trong quá trình THQCT và KSXX. Đối với những phiên tòa rút kinh nghiệm nội bộ, lãnh đạo Viện đã trực tiếp tham dự kiểm tra công tác thực hành quyền công tố của Kiểm sát viên tại phiên tòa để tổ chức rút kinh nghiệm và báo cáo đầy đủ kịp thời về Viện kiểm sát nhân dân tỉnh.

Nhìn chung, việc tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm góp phần tạo ra sự chuyển biến trong nhận thức của lãnh đạo, cán bộ, Kiểm sát viên Viện kiểm sát hai cấp về yêu cầu nâng cao chất lượng công tác kiểm sát giải quyết các vụ án hình sự, công tác THQCT, KSXX hình sự của Kiểm sát viên tại phiên tòa, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.

Phòng 7-VKSND tỉnh

    Ý kiến bạn đọc


    ĐĂNG NHẬP