Công tác kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp là một trong những chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp của ngành Kiểm sát nhân dân được quy định bởi Hiến pháp và Pháp luật, được cụ thể hóa trong các luật chuyên ngành hiện nay như: Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014; Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; Luật Tố tụng hành chính năm 2015; Luật Thi hành án hình sự năm 2019; Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014). Thông tư liên tịch số 01/2018/TTLT-VKSTC-TATC-BCA-BQP-BTP-BTC-BNN&PTNT ngày 5/4/20 của Liên ngành Trung ương về việc quy định phối hợp trong việc báo cáo, thông báo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp và Thông tư liên tịch số 02/2018/TTLT-VKSTC-TATC-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT ngày 05/9/2018 của Liên ngành Trung ương về việc quy định việc phối hợp thi hành một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về khiếu nại, tố cáo, trong đó quy định cụ thể về công tác phối hợp giữa các Cơ quan tư pháp trong việc tiếp nhận, phân loại, thụ lý, giải quyết và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự
Nhằm cụ thể hóa các quy định của Pháp luật và để đảm bảo việc kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp được thực hiện thuận lợi và thống nhất chung trong toàn quốc, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành Quyết định số 51/QĐ-VKSTC-V12 ngày 02/02/2016 về việc ban hành Quy chế tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp; Quyết định 546 ngày 3/12/2018 của Viện KSND tối cao“Quyết định ban hành Quy định về quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo; kiểm tra quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp.
Năm 2019 và Quý I/2020, Viện KSND 2 cấp tỉnh Hà Tĩnh tiếp nhận 521 đơn thư các loại (trong đó: Đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của Viện kiểm sát nhân dân: 5 đơn; đơn thuộc trách nhiệm kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp: 32 đơn; còn lại là đơn không thuộc thẩm quyền cũng như thuộc trách nhiệm kiểm sát mà chủ yếu là các loại đơn kiến nghị phản ánh vụ việc; tin báo tố giác tội phạm...).
Đối với đơn thẩm quyền, Viện kiểm sát 2 cấp đã tham mưu giải quyết 5/5 đơn đơn (tỷ lệ giải quyết đạt 100%); kiểm sát giải quyết 28/32 đơn thuộc trách nhiệm kiểm sát tại các cơ quan tư pháp (đạt 87,5%).
Nhìn chung số liệu đơn thư tư pháp thuộc thẩm quyền giải quyết của Viện kiểm sát và trách nhiệm kiểm sát giải quyết của Viện KSND 2 cấp ở Hà Tĩnh không nhiều (37 đơn/521 đơn thụ lý, chiếm 0,07% ). Tuy nhiên, thông qua giải quyết đơn thuộc thẩm quyền và đơn thuộc trách nhiệm kiểm sát thấy chủ yếu là khiếu nại các quyết định tố tụng hoặc quyết định giải quyết khiếu nại của người tiến hành tố tụng và vịệc giải quyết của Thủ trưởng các cơ quan tư pháp… Trong kỳ, Viện kiểm sát nhân dân 2 cấp ở Hà Tĩnh đã tham mưu, đề xuất giải quyết 100% đơn khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền đảm bảo đúng quy định của pháp luật, không xảy ra việc công dân sau khi được giải quyết khiếu nại tiếp tục có đơn khiếu nại vượt cấp, bức xúc, kéo dài. Đã tiến hành kiểm sát trực tiếp 7 cuộc về việc tiếp nhận, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp tại các Cơ quan tư pháp cùng cấp. Qua công tác kiểm sát, Viện kiểm sát phát hiện một số vi phạm của Cơ quan tư pháp như: chậm giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo; chậm hoặc không gửi thông báo thụ lý đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp; gửi Quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo đến Viện kiểm sát chậm… Qua đó Viện kiểm sát 2 cấp đã ban hành 1 kiến nghị và 7 văn bản yêu cầu các cơ quan tư pháp cùng cấp giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp…
Đạt được những kết quả nêu trên là do một số nguyên nhân như: Sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên và sát sao của Lãnh đạo Viện KSND 2 cấp; cán bộ, Kiểm sát viên được phân công làm công tác này luôn nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác giải quyết đơn thư; sự phối hợp thường xuyên giữa Viện kiểm sát cấp huyện, các phòng nghiệp vụ ở Viện KSND cấp tỉnh với Đơn vị Thanh tra - Khiếu tố….
Từ thực tiễn công tác, Đơn vị Thanh tra - Khiếu tố Viện KSND tỉnh rút ra một số bài học kinh nghiệm để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết và kiểm sát giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp như sau:
Thứ nhất: Nghiêm túc thực hiện đầy đủ các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, các quy định của pháp luật, quy chế nghiệp vụ của Ngành về công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; tăng cường trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp thuộc thẩm quyền và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp.
Thứ hai: Về cán bộ tiếp công dân, cần có sự lựa chọn người có đủ trình độ, năng lực, kinh nghiệm công tác, nắm vững các quy định của pháp luật, am hiểu tình hình chung; tính tình ôn hòa, không nóng nảy, có khả năng hướng dẫn, giải thích, thuyết phục để công dân hiểu và chấp hành đúng pháp luật.
Khi tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân, cán bộ tiếp dân cần phải đối thoại, trao đổi với người khiếu nại, tố cáo để nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của họ và hiểu rõ nội dung họ muốn khiếu nại, tố cáo là gì, liên quan đến cơ quan nào để xem xét, hướng dẫn đúng địa chỉ và từ đó giúp cho việc phân loại việc giải quyết mới đảm bảo kịp thời, chính xác.
Thứ ba: Đảm bảo việc tiếp nhận, phân loại và xử lý đơn kịp thời, chính xác: Sau khi tiếp nhận đơn, cần phân biệt chính xác là đơn tư pháp hay không phải đơn tư pháp (các loại đơn không thuộc thẩm quyền, không thuộc trách nhiệm kiểm sát như khiếu nại, tố cáo, tố giác tin báo tội phạm, hay đơn đề nghị, kiến nghị phản ánh …) và xác định đây là bước quan trọng, bởi nếu không xác định được chính xác sẽ dẫn đến việc phân loại, xử lý và giải quyết không đúng trình tự, thủ tục, không đúng thẩm quyền. Ngoài ra, việc theo dõi, tổng hợp nắm chắc và đầy đủ các kết quả giải quyết đơn trước đó sẽ là cơ sở cho việc giải quyết chính xác đối với những vụ việc đã được giải quyết mà người khiếu nại, tố cáo tiếp tục có đơn.
Thứ tư: Nắm vững các quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp thuộc thẩm quyền theo: Hướng dẫn số 24/HD-VKSTC-TATC-BCA-BTP-BQP ngày 8/5/2014 Hướng dẫn liên ngành về việc phân loại đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp; Quy chế 51/QĐ-VKSTC ngày 02/02/2016 quy định về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp; Quyết định số 546/QĐ-VKSTC ngày 03/12/2018 ban hành Quy định về quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo; kiểm tra quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp. Thứ năm: Giải quyết kịp thời, triệt để các khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền ngay từ khi mới phát sinh; tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại phức tạp, kéo dài (nếu có). Tăng cường công tác phối hợp giữa VKSND với các cơ quan tư pháp trong việc thực hiện Thông tư liên tịch số 01/2018/TTLT quy định phối hợp trong việc báo cáo, thông báo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp và Thông tư liên tịch số 02/2018/TTLT quy định việc phối hợp thi hành một số quy định của Bộ luật TTHS về khiếu nại, tố cáo.
Thứ sáu : Thông qua công tác giải quyết và kiểm sát giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp nếu phát hiện có vi phạm, thiếu sót trong quá trình giải quyết nguồn tin tội phạm, điều tra xác minh hoặc giải quyết khiếu nại, tố cáo thì cần ban hành văn bản kiến nghị để yêu cầu khắc phục và phòng ngừa vi phạm…
Dương Hoa - Thanh tra - Khiếu tố Viện KSND tỉnh Hà Tĩnh