Hiện nay tội phạm về ma túy diễn biến ngày càng phức tạp, thủ đoan tinh vi, các chất ma túy mới ngày càng được bọn tội phạm sử dụng. Theo quy định chương XVIII ( Các tội phạm về ma túy; từ Điều 192 đến Điều 201) của Bộ luật hình sự 1999, bổ sung sửa đổi năm 2009, chỉ quy định một số chất ma túy cụ thể còn lại quy định các chất ma túy khác ở thể rắn, ở thể lỏng. Một số văn bản của Chính phủ quy định về chất ma túy, bao gồm : Nghị định số 82/2013-NĐ-CP ngày 19/7/2013 ban hành danh mục chất ma túy và tiền chất; Nghị định số 126/2015/NĐ-CP ngày 09/12/2015 sửa đổi bổ sung các chất ma túy và tiền chất ban hành kèm theo Nghị định Số 82/2013-NĐ-CP ngày 19/7/2013.
Như vậy nếu theo quy định các chất ma túy tại Bộ luật hình sự hiện hành và danh mục chất ma túy do Chính phủ ban hành, đối chiếu với Thông tư hướng dẫn liên ngành và hướng dẫn của Viện KSND tối cao thì có những vướng mắc như sau:
- Tại Khoản 2, Điều 1 Thông tư số 08/2015/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 14/11/2015 quy định: “ … Bắt buộc phải trưng cầu giám định hàm lượng để xác định trọng lượng chất ma túy trong các trường hợp sau:
+ Chất ma túy, tiền chất dùng vào việc sản xuất chất ma túy ở thể rắn được hòa thành dung dịch
+ Chất ma túy, tiền chất dùng vào việc sản xuất chất ma túy ở thể lỏng được pha loãng.
Các văn bản hướng dẫn của VKSND tối cao gồm : số 475/VKSTC-V4 ngày 16/11/2015; số 5078/ VKSTC-V4 ngày 23/12/2015; số 654/ VKSTC-V4 ngày 29/2/2016; số 2522/VKSTC-V4 ngày 29/6/2016 và số 2878/VKSTC- V4 ngày 25/7/2016 đều hướng dẫn theo tinh thần quy đinh tại Thông tư số 08/2015/TTLT như đã trích dẫn nêu trên.
Như vậy trong thực tế nếu gặp các trường hợp trên thì bắt buộc phải giám định hàm lượng để xác định trọng lượng chất ma túy. Một vấn đề được đặt ra là hiện nay chưa có văn bản nào quy định danh mục về loại ma túy, tiền chất dùng vào sản xuất chất ma túy loại nào ở thể rắn, loại nào ở thể lỏng. Nếu muốn giám định hàm lượng thì trước hết cần có danh mục quy định loại ma túy ở thể rắn, ở thể lỏng. Trong thực tế các chất ma túy, tiền chất rất nhiều loại theo quy định tại phụ lục số1, số 2 của Nghị định số 82/2013/NĐ-CP và Điểm 1 Điều1 Nghị định số 126/2015/ NĐ-CP có đến 45 chất ma túy tuyệt đối cấm sử dụng trong y học và đời sống xã hội và 136 chất ma túy được dùng hạn chế, nhưng không quy định những loại ma túy trên ở thể lỏng hay rắn do vậy sẽ gặp khó khăn trong công tác đấu tranh ph òng chống tội phạm.
Để tạo điều kiện cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, Liên ngành Trung ương cần có văn bản đề nghị Chính phủ có quy định rõ danh mục về chất ma túy nào ở thể rắn, chất ma túy nào ở thể lỏng.
Nguyễn Ngọc Bính- Viện KSND huyện Kỳ Anh