Trong những năm qua, đã có nhiều đạo Luật mới, trên nhiều lĩnh vực được ban hành, đặc biệt là các đạo luật về tư pháp đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XIII đã thông qua tại kỳ họp thứ 10, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2016. Cùng với các đạo luật mới, nhiều văn bản Nghị định, Thông tư...quy định, hướng dẫn áp dụng pháp luật trong các lĩnh vực cũng được ban hành, thay thế các văn bản đã hết hiệu lực. Đây là một thuận lợi lớn, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật và bảo vệ quyền con người, quyền công dân trong tình hình mới, đồng thời cũng là căn cứ để VKS thực hiện tốt hơn chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp của mình.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, đã có nhiều đơn vị VKS cấp huyện gặp lúng túng về việc áp dụng pháp luật trong quá trình kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, kinh doanh thương mại, nhất là đối với các vụ việc đã tạm đình chỉ từ thời gian trước đây, nay được phục hồi, tiếp tục giải quyết, như : những vụ án công dân khởi kiện các quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan có thẩm quyền trong công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã xẩy ra từ những năm 2011, 2012 ( trước khi có Luật đất đai năm 2013), đã tạm đình chỉ với nhiều lý do khác nhau, nay mới được tiếp tục đưa ra giải quyết.
Qua theo dõi, tiếp nhận ý kiến trao đổi về nghiệp vụ với các đơn vị VKS cấp huyện, Phòng Kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, kinh doanh thương mại, lao động và các việc khác theo quy định của pháp luật (Phòng 10) thấy cần điểm lại một số khái niệm, quy định, nguyên tắc áp dụng pháp luật để các đơn vị cùng nghiên cứu, vận dụng trong quá trình thực hiện công tác kiểm sát, cụ thể như sau:
Về vị trí thứ bậc của văn bản quy phạm trong hệ thống pháp luật.
Văn bản quy phạm pháp luật là sản phẩm của quyền lực nhà nước, thể hiện khả năng của mỗi cơ quan trong việc tác động vào các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội nên vị trí thứ bậc của văn bản quy phạm phụ thuộc vào vị trí của cơ quan ban hành văn bản trong bộ máy nhà nước theo quy tắc: cơ quan nào có vị trí cao trong bộ máy nhà nước thì văn bản quy phạm do cơ quan đó ban hành cũng có vị trí cao trong hệ thống pháp luật và ngược lại.
Điều 4 của Luật ban hành các văn bản quy phạm pháp luật số 80/2015/QH 13 ngày 22 tháng 6 năm 2015 quy định về Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật như sau:
1. Hiến pháp.
2. Bộ luật, luật (sau đây gọi chung là luật), nghị quyết của Quốc hội.
3. Pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội; nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội với Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
4. Lệnh, quyết định của Chủ tịch nước.
5. Nghị định của Chính phủ; nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
6. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
7. Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
8. Thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; thông tư của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; quyết định của Tổng Kiểm toán nhà nước.
9. Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh).
10. Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
11. Văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
12. Nghị quyết của Hội đồng nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp huyện).
13. Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp huyện.
14. Nghị quyết của Hội đồng nhân dân xã, phường, thị trấn ( gọi chung là cấp xã).
15. Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp xã
Điều luật này không chỉ đơn giản là kể tên các văn bản quy phạm pháp luật mà còn sắp xếp các văn bản đó theo trật tự thể hiện mối quan hệ giữa các văn bản đó trong một hệ thống thống nhất. Các nhóm văn bản quy phạm pháp luật đã được các nhà làm luật cố gắng sắp xếp theo thứ tự hiệu lực từ cao đến thấp. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là việc sắp xếp như trên cũng mang tính tương đối về vị trí thứ bậc của chúng trong hệ thống pháp luật.
Việc lựa chọn áp dụng văn bản quy phạm pháp luật
Điều 156 Luật ban hành các văn bản quy phạm pháp luật số 80/2015/QH 13 ngày 22 tháng 6 năm 2015 quy định về áp dụng văn bản quy phạm pháp luật như sau:
1. Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng từ thời điểm bắt đầu có hiệu lực. Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng đối với hành vi xảy ra tại thời điểm mà văn bản đó đang có hiệu lực. Trong trường hợp quy định của văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực trở về trước thì áp dụng theo quy định đó.
2. Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn.
3. Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau.
4. Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật mới không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn đối với hành vi xảy ra, trước ngày văn bản có hiệu lực thì áp dụng văn bản mới.
5. Việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật trong nước không được cản trở việc thực hiện điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật trong nước và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó, trừ Hiến pháp.
Theo quy định trên, khi lựa chọn văn bản quy phạm pháp luật để áp dụng, cần lưu ý một số điểm sau:
Thứ nhất , về thời điểm có hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật:
Văn bản quy phạm pháp luật được quy định áp dụng theo các nguyên tắc sau đây:
- Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng từ thời điểm có hiệu lực thi hành. Theo quy định tại Điều 151 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 thì:
1. Thời điểm có hiệu lực của toàn bộ hoặc một phần văn bản quy phạm pháp luật được quy định tại văn bản đó nhưng không sớm hơn 45 ngày kể từ ngày thông qua hoặc ký ban hành đối với văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước trung ương; không sớm hơn 10 ngày kể từ ngày ký ban hành đối với văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; không sớm hơn 07 ngày kể từ ngày ký ban hành đối với văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp huyện và cấp xã.
2. Văn bản quy phạm pháp luật được ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn thì có thể có hiệu lực kể từ ngày thông qua hoặc ký ban hành, đồng thời phải được đăng ngay trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan ban hành và phải được đưa tin trên phương tiện thông tin đại chúng; đăng Công báo nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc Công báo tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chậm nhất là sau 03 ngày kể từ ngày công bố hoặc ký ban hành.
- Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng đối với hành vi xảy ra tại thời điểm mà văn bản đó đang có hiệu lực. Trong trường hợp văn bản có quy định hiệu lực trở về trước, thì áp dụng theo quy định đó.
Thứ hai, về lựa chọn áp dụng văn bản pháp luật:
- Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề, thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn. Hiệu lực pháp lý của từng nhóm văn bản quy định pháp luật được trình bày ở trên.
- Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật về cùng một vấn đề do cùng một cơ quan ban hành mà có quy định khác nhau, thì áp dụng quy định của văn bản được ban hành sau.
Sở dĩ luật quy định phải áp dụng văn bản được ban hành sau là để đảm bảo các quy phạm pháp luật được chọn để áp dụng phù hợp nhất với các điều kiện thực tế. Tuy nhiên, trên thực tế, có những trường hợp hai văn bản cùng quy định về một vấn đề, trong đó một văn bản quy định một cách chung nhất và một văn bản quy định mang tính chất chuyên sâu trong một lĩnh vực quản lý cụ thể. Trong trường hợp này, thông thường văn bản quy định chuyên sâu phù hợp với điều kiện quản lý đặc thù của từng ngành, từng lĩnh vực hơn văn bản quy định chung. Nếu văn bản chuyên ngành ban hành sau văn bản quy định chung thì việc lựa chọn văn bản chuyên ngành để áp dụng không có gì trái pháp luật, nhưng nếu văn bản chuyên ngành ban hành trước văn bản quy định chung thì lựa chọn văn bản nào để áp dụng là vấn đề khó khăn và tiềm ẩn khả năng áp dụng pháp luật không thống nhất. Trong trường hợp này, cần cân nhắc kỹ dối với từng vụ việc cụ thể để có sự lựa chọn phù hợp.
- Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật mới không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn đối với hành vi xảy ra trước ngày văn bản có hiệu lực, thì áp dụng văn bản mới. Đây là quy định thể hiện tính nhân đạo của hệ thống pháp luật nước ta, là hiện thân tính nhân dân, tính nhân văn của đường lối, chính sách của Đảng.
Ở đây, cũng cần lưu ý: Theo Điều 54 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của hội đồng nhân dân , uỷ ban nhân dân, có quy định cụ thể văn bản quy phạm pháp luật của của hội đồng nhân dân, uỷ ban nhân dân được quy định áp dụng theo các nguyên tắc sau đây:
+ Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật của hội đồng nhân dân, uỷ ban nhân dân cùng cấp có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản quy phạm pháp luật của hội đồng nhân dân.
+ Trong trường hợp các nghị quyết của cùng một hội đồng nhân dân có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của nghị quyết được ban hành sau.
+ Trong trường hợp các quyết định, chỉ thị của cùng một uỷ ban nhân dân có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của quyết định, chỉ thị được ban hành sau.
Như vậy, cơ quan ban hành văn bản phải định rõ thời hạn văn bản có hiệu lực thi hành, phạm vi và mức độ mà các cơ quan có nhiệm vụ thi hành được phép truyền đạt, phổ biến. Cơ quan có trách nhiệm thi hành phải chấp hành nghiêm chỉnh các quy phạm của văn bản. Tuy nhiên, áp dụng pháp luật còn là một hoạt động sáng tạo để trong trường hợp pháp luật chưa quy định hoặc quy định chưa rõ thì phải vận dụng một cách sáng tạo bằng cách áp dụng pháp luật tương tự.
Phan Hòa- Phòng 10